Kế Toán Tài Chính Định khoản - Hạch toán Hướng dẫn hạch toán khấu hao tài sản cố định chi tiết

Hướng dẫn hạch toán khấu hao tài sản cố định chi tiết

Hướng dẫn hạch toán khấu hao tài sản cố định chi tiết
Hướng dẫn hạch toán khấu hao tài sản cố định chi tiết

Trong quá trình hoạt động, tài sản cố định (TSCĐ) dần hao mòn và mất giá trị theo thời gian, đòi hỏi doanh nghiệp phải trích khấu hao hợp lý. Tuy nhiên, mỗi loại tài sản và phương pháp khấu hao lại có những quy định riêng, yêu cầu kế toán viên phải nắm vững nguyên tắc ghi nhận. trong bài viết này, chúng tôi sẽ tổng hợp và gửi đến các bạn những hướng dẫn chi tiết nhất liên quan đến vấn đề hạch toán khấu hao tài sản cố định.

1. Khấu hao tài sản cố định là gì?

Khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) là quá trình phân bổ dần giá trị của tài sản vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong suốt thời gian sử dụng của nó. Khi một TSCĐ như máy móc, thiết bị, nhà xưởng hoặc phương tiện vận tải được sử dụng, giá trị của nó giảm dần do hao mòn vật lý và lỗi thời công nghệ.

Khấu hao TSCĐ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chi phí thực tế của doanh nghiệp theo thời gian. Thông qua quá trình này, giá trị hao mòn của tài sản được ghi nhận dần vào chi phí, giúp doanh nghiệp phản ánh đúng thực trạng tài chính.

Khấu hao TSCĐ là gì?

2. Hướng dẫn hạch toán khấu hao tài sản cố định mới nhất

2.1. Hạch toán khi mua TSCĐ

a. Nếu mua TSCĐ mà không phải lắp đặt, chạy thử, đầu tư,… (không phát sinh các chi phí khác) sử dụng ngay, hạch toán:

Nợ TK 211 – Tài sản cố định hữu hình (Nguyên giá không bao gồm thuế GTGT)

Nợ TK 1332 – Thuế GTGT được khấu trừ của tài sản cố định

Có TK 1121/ TK 331.

– Trường hợp mua sắm TSCĐ hữu hình được nhận kèm thiết bị phụ tùng thay thế, hạch toán:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ (TK 1534 – Thiết bị, phụ tùng thay thế)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (TK 1332)

Có các TK 111, 112, 331,…

– Trường hợp mua TSCĐ hữu hình theo phương thức trả chậm, trả góp:

+ Khi mua TSCĐ hữu hình theo phương thức trả chậm, trả góp và đưa về sử dụng ngay cho SXKD, hạch toán:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (Nguyên giá – ghi theo giá mua trả tiền ngay)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (TK 1332) (nếu có)

Nợ TK 242 – Chi phí trả trước (Phần lãi trả chậm là số chênh lệch giữa tổng số tiền phải thanh toán trừ giá mua trả tiền ngay và thuế GTGT, nếu có)

Có các TK 111, 112, 331.

+ Định kỳ, thanh toán tiền cho người bán, hạch toán:

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán

Có các TK 111, 112 (Số phải trả định kỳ bao gồm cả giá gốc và lãi trả chậm, trả góp phải trả định kỳ).

+ Định kỳ, tính vào chi phí theo số lãi trả chậm, trả góp phải trả của từng kỳ, hạch toán:

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính

Có TK 242 – Chi phí trả trước.

– Trường hợp được tài trợ, biếu, tặng TSCĐ hữu hình đưa vào sử dụng ngay cho SXKD, hạch toán:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình

Có TK 711 – Thu nhập khác.

Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến TSCĐ hữu hình được tài trợ, biếu, tặng tính vào nguyên giá, hạch toán:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình

Có các TK 111, 112, 331,…

– Trường hợp mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất, đưa vào sử dụng ngay cho hoạt động SXKD, hạch toán:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (Nguyên giá – chi tiết nhà cửa, vật kiến trúc)

Nợ TK 213 – TSCĐ vô hình (Nguyên giá – chi tiết quyền sử dụng đất)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu có)

Có các TK 111, 112, 331,…

b. Nếu mua TSCĐ mà PHẢI qua lắp đặt, chạy thử, trang bị thêm,… trước khi đưa vào sử dụng (KHÔNG sử dụng được ngay) thì hạch toán:

Nợ TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ.

Có TK 112, 331.

Khi có biên bản bàn giao, nghiệm thu, hạch toán:

Nợ TK 211 – Tài sản cố định hữu hình

Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang.

c. Trường hợp nhận vốn góp hoặc nhận vốn cấp bằng TSCĐ, hạch toán:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình

Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh

Lưu ý:

  • Ngày ghi tăng TSCĐ cũng là ngày bắt đầu trích khấu hao TSCĐ.
  • Ngày ghi giảm TSCĐ cũng là ngày thôi trích khấu TSCĐ.

2.2. Hạch toán trích khấu hao tài sản cố định hàng tháng

Đến cuối kỳ (cuối tháng) kế toán tiến hành hạch toán khoản Chi phí trích khấu hao

TSCĐ trong tháng đó, theo từng Bộ phận sử dụng nhé:

– Nếu doanh nghiệp áp dụng Thông tư 133

Nợ TK 154 – Bộ phận sản xuất (Theo TT 133)

Nợ TK 6421 – Bộ phận Bán hàng (Theo TT 133)

Nợ TK 6422 – Bộ phận Quản lý (Theo TT 133)

Có TK 2141 – Hao mòn Tài sản cố định Hữu hình

Có TK 2142, 2143, 2147 (Tùy từng loại TSCĐ).

– Nếu doanh nghiệp áp dụng Thông tư 200

Nợ TK 623 – Chi phí sử dụng máy thi công (Theo TT 200)

Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (Theo TT 200)

Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng (Theo TT 200)

Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp (Theo TT 200)

Có TK 2141 – Hao mòn Tài sản cố định Hữu hình

Có TK 2142, 2143, 2147 (Tùy từng loại TSCĐ).

Lưu ý: Chỉ hạch toán trích khấu hao tới khi bằng nguyên giá.

2.3. Hạch toán giảm tài sản cố định

– Khi nhượng bán, thanh lý TSCĐ, hạch toán:

Nợ các TK 111, 112, 131,…

Có TK 711 – Thu nhập khác (Giá bán chưa có thuế GTGT)

Có TK 3331 – Thuế giá trị gia tăng phải nộp (TK 33311).

– Nếu không tách ngay được thuế GTGT thì thu nhập khác bao gồm cả thuế GTGT.

Định kỳ kế toán ghi giảm thu nhập khác đối với số thuế GTGT phải nộp.

– Căn cứ Biên bản giao nhận TSCĐ để ghi giảm TSCĐ đã nhượng bán, thanh lý, hạch toán:

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (2141) (Giá trị đã hao mòn)

Nợ TK 811 – Chi phí khác (Giá trị còn lại)

Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (Nguyên giá).

3. Sơ đồ định khoản – Hạch toán khấu hao tài sản cố định

Tùy theo thông tư đang áp dụng mà doanh nghiệp có thể tham khảo sơ đồ định khoản – hạch toán khấu hao tài sản cố định dưới đây:

Sơ đồ định khoản – Hạch toán khấu hao tài sản cố định theo TT200:

Sơ đồ định khoản - Hạch toán khấu hao tài sản cố định theo TT200

– Sơ đồ định khoản – Hạch toán khấu hao tài sản cố định theo TT133:

Sơ đồ định khoản - Hạch toán khấu hao tài sản cố định theo TT133

4. Các phương pháp trích khấu hao TSCĐ

Các phương pháp trích khấu hao tài sản cố định giúp doanh nghiệp phân bổ chi phí tài sản vào hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hợp lý. Tùy vào nhu cầu quản lý và quy định kế toán, doanh nghiệp có thể lựa chọn phương pháp khấu hao phù hợp. Dưới đây là ba phương pháp phổ biến:

– Phương pháp khấu hao đường thẳng:

Đây là phương pháp đơn giản và phổ biến nhất, trong đó giá trị tài sản được phân bổ đều qua từng năm sử dụng. Mức khấu hao hàng năm được tính theo công thức:

Mức khấu hao hàng năm = Nguyên giá TSCĐ
Thời gian sử dụng còn lại

Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh:

Phương pháp này cho phép trích khấu hao nhiều hơn vào những năm đầu, sau đó giảm dần. Điều này giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí thuế trong giai đoạn đầu sử dụng tài sản. Công thức tính như sau:

Mức khấu hao hàng năm = Giá trị còn lại x Tỷ lệ khấu hao nhanh

Trong đó, tỷ lệ khấu hao nhanh được xác định theo phương pháp:

Tỷ lệ khấu hao nhanh = 100% x Hệ số điều chỉnh
Thời gian sử dụng 

– Phương pháp khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm:

Phương pháp này áp dụng cho tài sản có công suất hoạt động cụ thể, như dây chuyền sản xuất hoặc máy móc khai thác. Mức khấu hao được tính theo số lượng sản phẩm hoặc khối lượng thực tế sử dụng:

Mức khấu hao mỗi đơn vị sản phẩm = Nguyên giá TSCĐ
Tổng sản lượng ước tính trong suốt thời gian sử dụng

5. Một số thắc mắc thường gặp về khấu hao tài sản cố định

Doanh nghiệp có bắt buộc phải trích khấu hao tài sản cố định không?

Có, doanh nghiệp phải trích khấu hao đối với TSCĐ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu tài sản không sử dụng trong thời gian dài, doanh nghiệp có thể tạm ngừng trích khấu hao nhưng cần có hồ sơ chứng minh hợp lệ.

Tài sản cố định đã khấu hao hết nhưng vẫn sử dụng, có tiếp tục trích khấu hao không?

Không, khi tài sản đã khấu hao hết nhưng vẫn hoạt động, doanh nghiệp không được trích thêm khấu hao. Tuy nhiên, nếu có sửa chữa hoặc nâng cấp làm tăng giá trị sử dụng, phần chi phí phát sinh có thể được ghi nhận và trích khấu hao tiếp.

Doanh nghiệp có thể thay đổi phương pháp khấu hao giữa chừng không?

Có thể, nhưng doanh nghiệp cần có lý do hợp lý và phải thông báo với cơ quan thuế. Việc thay đổi phương pháp khấu hao cũng cần đảm bảo tính nhất quán và phù hợp với chính sách tài chính của doanh nghiệp.

Nếu tài sản bị hư hỏng hoặc thanh lý trước thời hạn, doanh nghiệp xử lý như thế nào?

Khi tài sản bị hư hỏng hoặc thanh lý, doanh nghiệp phải xác định giá trị còn lại của tài sản, ghi nhận lãi/lỗ từ thanh lý và thực hiện bút toán xóa sổ tài sản cùng phần khấu hao đã trích.

Tạm kết: 

Hạch toán khấu hao TSCĐ không chỉ là yêu cầu kế toán bắt buộc mà còn là công cụ quản trị tài chính quan trọng giúp doanh nghiệp có thể kiểm soát tốt chi phí tài sản, tối ưu hóa lợi nhuận và đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Do đó, việc nắm vững quy trình hạch toán khấu hao là điều cần thiết đối với mọi kế toán viên và nhà quản lý doanh nghiệp. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi vừa cung cấp qua bài viết sẽ đem lại nhiều giá trị hữu ích cho các bạn.