Kế Toán Tài Chính Chi phí Chi phí bán hàng là gì? Chi phí bán hàng bao gồm...

Chi phí bán hàng là gì? Chi phí bán hàng bao gồm những gì?

hướng dẫn chi tiết về chi phí bán hàng

Chi phí bán hàng quyết định trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Chi phí bán hàng càng được tối ưu, lợi nhuận càng nhiều. Vậy chi phí bán hàng là gì? Nó bao gồm những loại chi phí nào? Làm thế nào để tối ưu chi phí này?

1. Chi phí bán hàng là gì?

Chi phí bán hàng là tổng các khoản chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện hoạt động bán hàng hoặc dịch vụ đến tay khách hàng.

Dưới góc độ kế toán, chi phí bán hàng được quy định trong:

  • Chuẩn mực kế toán VAS số 04
  • Thông tư 200/2014/TT-BTC

Theo đó, chi phí bán hàng được hiểu như sau:

info“Chi phí bán hàng là chi phí phát sinh trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, bao gồm chi phí bán hàng trực tiếp và gián tiếp, chi phí quảng cáo, chi phí lương nhân viên bán hàng, chi phí tiếp thị và các chi phí khác phục vụ cho việc bán sản phẩm.”

2. Chi phí bán hàng gồm những gì?

Trong kế toán, chi phí bán hàng được ghi nhận vào tài khoản 641, và các loại chi phí bán hàng được ghi nhận vào các loại tài khoản cấp 2 của tài khoản này.

Theo khoản 2, điều 91 của thông tư 200/2014/TT-BTC ghi nhận các loại chi phí bán hàng như sau:

Tài khoản cấp 1 Tài khoản cấp 2
Tài khoản 641 – Chi phí bán hàng
Tài khoản 6411 – Chi phí nhân viên
Tài khoản 6412 – Chi phí vật liệu, bao bì
Tài khoản 6413 – Chi phí dụng cụ, đồ dùng
Tài khoản 6414 – Chi phí khấu hao TSCĐ
Tài khoản 6415 – Chi phí bảo hành
Tài khoản 6417 – Chi phí dịch vụ mua ngoài
Tài khoản 6418 – Chi phí bằng tiền khác

Dưới góc độ quản trị, chi phí bán hàng có thể được chia dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, bao gồm chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, chi phí cố định và chi phí biến đổi.

Chi phí bán hàng được chia theo nguồn gốc cấu thành sản phẩm/dịch vụ thành:

  • Chi phí trực tiếp bao gồm: tiền lương đội ngũ bán hàng, chi phí quảng cáo, chi phí khuyến mãi, chi phí đóng gói sản phẩm,…
  • Chi phí gián tiếp bao gồm: chi phí vận chuyển, chi phí bảo hành, chi phí quản lý, chi phí lưu kho,…

Chi phí bán hàng có thể được chia theo tính chất thay đổi theo sản lượng bán hàng thành:

  • Chi phí cố định gồm: chi phí thuê cửa hàng, mặt bằng, chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí lương nhân viên cố định,…
  • Chi phí biến đổi gồm: chi phí quảng cáo, chi phí hoa hồng, chi phí vận chuyển,…

minh họa chi phí bán hàng

3. Cách quản lý chi phí bán hàng hiệu quả

Với vai trò quản lý, nhà quản trị cần phải quản lý chi phí bán hàng hiệu quả để có thể phân loại, kiểm soát và đánh giá một cách chính xác. Dưới đây là các cách để quản lý chi phí bán hàng hiệu quả:

3.1. Phân loại và phân bổ chi phí bán hàng

Có nhiều cách để phân loại chi phí khác nhau. Với mỗi mô hình doanh nghiệp thì nhà quản trị có thể lựa chọn cách phân loại phù hợp.

Ví dụ với doanh nghiệp sản xuất thì phân loại chi phí thành chi phí cố định và chi phí biến đổi rất phù hợp vì giúp nhà quản trị có thể nắm được mức chi phí bán hàng theo sản lượng sản xuất.

Với các doanh nghiệp dịch vụ thì có thể phân chi phí theo trực tiếp và gián tiếp, để bóc tách ra được chi phí nào tham gia trực tiếp vào bán hàng, chi phí nào không gắn trực tiếp những hỗ trợ.

3.2. Tối ưu hóa quy trình bán hàng

Doanh nghiệp cần thường xuyên đánh giá quy trình bán hàng hiện tại để xác định các điểm yếu hoặc bước không hiệu quả. Các bước hoạt động bán hàng như tiếp cận khách hàng, chốt đơn, xử lý thanh toán hay vận chuyển.

Với các công việc bán hàng lặp đi, lặp lại doanh nghiệp cần tự động hóa bằng các phần mềm hỗ trợ như phần mềm quản lý bán hàng.

3.3. Đánh giá hiệu quả của chi phí bán hàng

Đây là bước mà nhiều nhà quản lý bỏ qua. Không phải chỉ nắm bắt và ghi nhận chi phí bán hàng, ta phải đánh giá được hiệu quả mà chi phí bán hàng mang lại. Cách đơn giản nhất là xem với mức chi phí A thì đem lại cho doanh nghiệp bao nhiêu doanh thu.

Nhà quản trị cũng nên đánh giá hiệu quả của từng kênh bán hàng (online, offline), cho từng loại sản phẩm.

3.4. Sử dụng phần mềm hỗ trợ

Đa số các nhà quản trị không thể tối ưu được chi phí bán hàng bởi vì khó nắm bắt được thông tin chính xác, nhanh chóng và không có báo cáo để theo dõi và phân tích.

Sử dụng các phần mềm hỗ trợ là điều cần thiết giúp tự động quản lý nhanh chóng:

  • Phần mềm quản lý bán hàng (CRM) như: MISA AMIS CRM, Salesfore CRM, HubSpot CRM, ZoHo CRM,…
  • Phần mềm kế toán như: MISA SME, MISA AMIS Kế Toán, QuickBooks,…
  • Phần mềm quản lý kho như: MISA CukCuk, Odoo,…

4. Các câu hỏi thường gặp về chi phí bán hàng

info(1) Cách hạch toán chi phí bán hàng như thế nào?

Chi phí bán hàng được ghi nhận vào tài khoản 641, việc hạch toán chi tiết tài khoản này còn phụ thuộc vào doanh nghiệp đang sử dụng thông tư 133 hay thông tư 200.

Dưới đây là bài viết hướng dẫn chi tiết cách hạch toán này:

info(2) Chi phí bán hàng và chi phí sản xuất khác nhau thế nào?

Chi phí sản xuất là chi phí liên quan đến tạo ra sản phẩm dịch vụ như nguyên vật liệu, lao động, chi phí sản xuất trực tiếp. Chi phí bán hàng là chi phí phát sinh trong quá trình bán sản phẩm sau khi sản phẩm đã được sản xuất.

info(3) Tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu là bao nhiêu?

Tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu không có con số cố định, tùy vào mô hình kinh doanh của doanh nghiệp mà tỷ lệ này có thể cao hoặc thấp. Tuy nhiên mức chi phí bán hàng thường được giao động từ 15% đến 40% trên doanh thu. Các ngành hàng đặc thù, đặc biệt là thương mại thì mức chi phí này có thể cao hơn.

info(4) Thuế môn bài có phải là chi phí bán hàng không?

Trong kế toán, thì thuế môn bài được là một loại thuế kinh doanh và được ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp chứ không phải chi phí bán hàng. Việc nộp thuế môn bài là theo quy định pháp lý để duy trì hoạt động kinh doanh.