NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động có thời hạn và đóng BHXH từ năm 2015 đến nay. Nay đã chấm dứt hợp đồng lao động, ngừng đóng BHXH nhưng công ty không trả sổ BHXH. Trường hợp đó người lao động phải làm gì để được nhận trợ cấp BHXH một lần?
Không có sổ BHXH có được nhận trợ cấp thất nghiệp một lần?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có câu trả lời như sau:
– Tại khoản 2, Điều 18, Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định quyền của người lao động “Được cấp và quản lý sổ BHXH”.
– Tại khoản 5, Điều 21, Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định: Trách nhiệm của người sử dụng lao động là phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
– Tại khoản 3, Điều 47, Bộ luật Lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”.
– Tại Điều 109, Luật BHXH quy định về hồ sơ hưởng BHXH một lần gồm có sổ BHXH.
Để nhận được tiền trợ cấp BHXH một lần thì phải có sổ BHXH
Trường hợp người lao động chưa nhận được sổ BHXH từ đơn vị sử dụng lao động, cần phải liên hệ với đơn vị cũ để yêu cầu đơn vị làm thủ tục xác nhận quá trình đóng BHXH và trả sổ BHXH.
Trong trường hợp đơn vị cố tình không trả sổ BHXH cho người lao động, họ có thể làm đơn khiếu nại lên Ban giám đốc công ty hoặc thông qua tổ chức Công đoàn tại công ty để khiếu nại về việc không trả sổ BHXH cho mình.
Nếu không được thì người lao động có thể gửi đơn đến Thanh tra lao động thuộc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty chủ quản có trụ sở để cơ quan này giải quyết buộc công ty trả lại sổ BHXH cho mình.
Xem thêm:
Hưởng Bảo hiểm thất nghiệp khi đã có công việc mới có bị phạt không?
Trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp: Điều kiện và đối tượng được hưởng
Những thông tin quan trọng về bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động nên biết