Thỏa ước lao động tập thể là một khái niệm không quá phổ biến nhưng lại có vị trí vô cùng quan trọng trong các tổ chức cũng như doanh nghiệp. Vậy thỏa ước lao động tập thể là gì? Hãy cùng tim hiểu khái niệm và vai trò của thỏa ước lao động tập thể qua bài viết dưới đây.
I. Định nghĩa thỏa ước lao động tập thể
Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà 2 bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.
Hiểu theo nghĩa khác thì đây là sự thỏa thuận, thương lượng giữa tập thể người lao động và người sử dụng lao động về những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động. Những quyền lợi này có thể kể đến như: an toàn vệ sinh lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, tiền lương, thưởng… của người lao động.
II. Vai trò của thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp
Thỏa ước lao động đóng góp vai trò vô cùng to lớn trong doanh nghiệp khi nó thừa nhận quyền của người lao động thông qua tổ chức đại diện cho họ gọi là công đoàn. Công đoàn là nơi sẽ thiết lập những điều kiện lao động có lợi nhất cho NLĐ trong khuôn khổ quy định của luật lao động, vừa đảm bảo được tính hợp pháp, vừa đáp ứng được các yếu tố cơ bản về nhân quyền.
Chính bởi lẽ đó mà TƯLĐTT có vị trí vô cùng quan trọng đối với NLĐ nói riêng và với doanh nghiệp nói chung.
1. Hình thành trách nhiệm ràng buộc giữa người lao động và người sử dụng lao động
Mặc dù tồn tại sự xung đột về lợi ích nhưng người lao động luôn cần người sử dụng lao động để đạt được mục đích cuối cùng của mình, và ngược lại, người sử dụng lao động cũng không thể điều hành doanh nghiệp mà không có người lao động.
Để nhận được khoản thu nhập tương xứng, NLĐ cần trao đổi bằng sức lao động của mình để tạo ra giá trị mà người sử dụng lao động cần. Những giá trị đó có vai trò duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra lợi nhuận cho toàn doanh nghiệp, từ đó được dùng làm cơ sở để trả lương cho người lao động. Vì vậy, hiệu quả sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như thu nhập của NLĐ phụ thuộc phần lớn vào trách nhiệm của cả hai bên: người lao động lẫn người sử dụng lao động.
2. Tạo ra sự gắn bó chặt chẽ giữa người lao động và doanh nghiệp
Sự tồn tại của TƯLĐTT còn góp phần điều hòa lợi ích và hạn chế cạnh tranh không đáng có giữa người lao động và doanh nghiệp. Bởi thỏa ước lao động tập thể giúp NLĐ có được vị thế bình đẳng trong mối quan hệ với người sử dụng lao động thông qua việc giúp họ đạt được những thỏa thuận có lợi hơn trong quá trình làm việc và giảm thiểu tối đa những yêu sách bất lợi từ phía doanh nghiệp. Từ đó, những tranh chấp, mâu thuẫn hoặc xung đột lợi ích giữa các bên cũng sẽ dần được hạn chế loại bỏ.
Ngoài ra, TƯLĐTT còn góp phần thống nhất chế độ lao động giữa những NLĐ trong cùng một ngành nghề công việc, trong cùng một doanh nghiệp, vùng hoặc ngành (nếu là thỏa ước vùng, ngành). Từ đó sẽ giúp loại bỏ những cạnh tranh không lành mạnh do có sự đồng hóa các đảm bảo phụ xã hội trong các bộ phận của doanh nghiệp hoặc trong các doanh nghiệp cùng loại ngành nghề, công việc.
3. Là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp lao động
Có 2 loại tranh chấp lao động: tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Đối với tranh chấp lao động cá nhân, việc giải quyết tranh chấp sẽ dựa vào căn cứ của cơ quan có thẩm quyền trên các điều khoản hai bên đã ký kết, bao gồm hợp đồng lao động và TƯLĐTT. Khi giải quyết tranh chấp giữa NLĐ và NSDLĐ, cơ quan có thẩm quyền trước hết sẽ xem xét những thỏa thuận trong hợp đồng có phù hợp với TƯLĐTT hay không. Nếu những thỏa thuận ấy trái với thỏa ước lao động tập thể và làm bất lợi cho NLĐ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các quy định trong TƯLĐTT để giải quyết quyền lợi cho NLĐ.
Mặt khác, tranh chấp lao động tập thể thường là những tranh chấp về thỏa ước. Vì vậy, trong trường hợp này, thỏa ước lao động tập thể chắc chắn sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các tranh chấp đó.
4. Là nguồn quy phạm bổ sung cho luật lao động
Xét về bản chất, TƯLĐTT có tính chất tương tự hợp đồng lao động khi nó là một bản thỏa thuận, thương lượng về quyền lợi giữa 2 bên. Tuy nhiên thỏa ước này cũng có tính chất quy phạm, vì vậy nó còn được xem như một “bộ luật con” của doanh nghiệp. Không chỉ đơn giản là sự cụ thể hóa quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể còn góp phần bổ sung và hoàn thiện hơn luật lao động. Chính vì thỏa ước là sự thương lượng bằng văn bản giữa người lao động và người sử dụng lao động cho nên những quyền lợi của NLĐ được ấn định theo hướng tiến bộ và dân chủ hơn luật lao động.
Xem thêm:
Hợp đồng lao động là gì? Những điều cần biết về hợp đồng lao động
Luật lao động mới nhất 2020: Những vấn đề thay đổi đối với NLĐ