Năm 2020 đánh dấu nhiều thay đổi quan trọng với nhiều quy định về hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử đang cùng có hiệu lực. Việc nhiều quy định chồng chéo nhau khiến bạn đang lúng túng không biết phải xử lý các nghiệp vụ kinh tế ra sao? Cùng Ketoan.vn cập nhật những quy định mới nhất về việc lập hóa đơn dưới 200.000 đồng nhé!
1. Lập hóa đơn dưới 200.000 đồng thời điểm trước 1/11/2020
Trước 1/11/2020, khi mà các Thông tư, Nghị định cũ vẫn còn hiệu lực, các doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng song song hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy.
Chính điều này dẫn đến quy định về việc xuất hóa đơn có sự khác nhau. Cụ thể như sau:
a) Đối với hóa đơn giấy (hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in, hóa đơn đặt mua từ cơ quan thuế:
Căn cứ khoản 1, Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần bán, doanh nghiệp không phải lập hóa đơn. Trừ trường hợp được người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.
LƯU Ý:
- Mặc dù không phải lập hóa đơn nhưng người bán phải lập bảng kê bán lẻ hàng hóa dịch vụ.
- Trường hợp khi cung ứng dịch vụ, bán hàng hóa có giá trị từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, MST, địa chỉ thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, MST”.
Như vậy, nếu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có giá trị dưới 200.000 đồng không bắt buộc phải lập hóa đơn, trừ khi người mua hàng yêu cầu. Còn nếu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có giá trị từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, bắt buộc phải lập hóa đơn, kể cả trường hợp người mua không lấy hóa đơn.
b) Đối với hóa đơn điện tử
Trong thời gian từ ngày 1/11/2018 đến ngày 31/10/2020, Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP vẫn còn hiệu lực thi hành. Chính vì thế, trong thời gian này, việc sử dụng hóa đơn điện tử phải được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 31/2011/TT-BTC và Thông tư 39/2014/TT-BTC.
Như vậy, nếu doanh nghiệp bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có giá trị dưới 200.000 đồng mà người mua yêu cầu lấy hóa đơn hoặc trường hợp cung ứng dịch vụ, hàng hóa từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần (kể cả khi người mua hàng không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, MST) thì đều phải lập hóa đơn. Nếu người mua không yêu cầu lấy hóa đơn khi bán hàng dưới 200.000 đồng thì thực hiện tương tự hóa đơn giấy. Tức là không cần phải lập hóa đơn, nhưng phải lập bảng kê hàng hóa, dịch vụ dưới 200.000 đồng để theo dõi.
2. Lập hóa đơn dưới 200.000 đồng thời điểm sau ngày 1/11/2020
Quy định mới về lập hóa đơn điện tử dưới 200.000 đồng
Kể từ ngày 1/11/2010, tất cả các quy định cũ về hóa đơn sẽ chính thức hết hiệu lực và sẽ được thay bằng quy định mới tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP và Thông tư 68/2019/TT-BTC.
Theo đó, khoản 1, Điều 4 Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định:
“Khi cung cấp dịch vụ, bán hàng hóa, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định này) phải lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định này, không phân biệt giá trị từng lần cung cấp dịch vụ, bán hàng hóa.”
Như vậy, quy định trên, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, cá nhân khi bán hàng, cung cấp dịch vụ đều phải lập hóa đơn điện tử theo định dạng chuẩn dữ liệu do cơ quan thuế quy định, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Kể cả trường hợp người mua không yêu cầu lấy hóa đơn.
Quản lý hóa đơn điện tử
Điều này có nghĩa là, tất cả các giao dịch phát sinh, không kể giá trị lớn hay giá trị nhỏ đều phải xuất hóa đơn. Quy định này sẽ giúp cơ quan thuế quản lý tốt hơn nhưng sẽ tạo áp lực không nhỏ lên kế toán tại doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ. Khối lượng hóa đơn của doanh nghiệp có thể tăng lên đáng kể.
Để có thể quản lý tốt, giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp nên lựa chọn sử dụng một phần mềm hóa đơn điện tử dễ dàng sử dụng và chuyên nghiệp nhất.
Tham khảo
Lưu trữ hóa đơn điện tử: Những điểm doanh nghiệp cần phải lưu ý
Hướng dẫn đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 119
Phần mềm hóa đơn điện tử cần đáp ứng những yêu cầu nào?
Phần mềm kế toán MISA SME.NET sẽ cung cấp mọi góc nhìn về tình hình tài chính doanh nghiệp, nhập liệu tự động và kiểm soát tính hợp lệ từ các giao dịch ngân hàng, hóa đơn, mã số thuế… MISA SME.NET là sản phẩm của MISA, công ty có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển phần mềm kế toán cho hơn 200.000 doanh nghiệp.