Không riêng Việt Nam, trên thế giới cũng đã có nhiều cuộc đình công. Đây là một trong những quyền của người lao động để yêu cầu người sử dụng lao động giải quyết những tranh chấp trong lao động. Mục đích là để đạt đến một thỏa thuận làm thỏa mãn cả hai bên. Nhưng đình công chỉ được chấp nhận và đạt đến thỏa thuận chung khi được tiến hành hợp pháp, đúng quy trình. Vậy thế nào là đình công hợp pháp? Người lao động cần biết gì khi tiến hành đình công? Cùng tham khảo thông tin sau đây.
1. Thế nào là đình công hợp pháp?
Điều 209 Bộ luật Lao động năm 2012 đưa ra khái niệm về đình công là “sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động”.
Tuy Bộ luật Lao động 2012 không quy định thế nào là đình công hợp pháp; nhưng Điều 215 Bộ luật Lao động 2012 có chỉ ra những trường hợp đình công bất hợp pháp. Từ đó, có thể suy ra, một cuộc đình công được coi là hợp pháp khi đáp ứng những yêu cầu sau:
- Đình công phải phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là việc tranh chấp về những quy định; thỏa ước lao động giữa NLĐ với người sử dụng lao động; mong muốn thay đổi, xác lập những điều kiện lao động mới.
- Đình công khi tranh chấp lao động tập thể về lợi ích đã được cơ quan; tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012; nhưng tập thể NLĐ không nhất trí với cách giải quyết đó. Hoặc tập thể NLĐ có quyền đình công khi cơ quan có thẩm quyền cần giải quyết tranh chấp trong thời gian quy định nhưng không giải quyết tranh chấp.
- Đình công khi có sự nhất trí và lãnh đạo của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời.
- Trước khi tiến hành đình công, BCH Công đoàn cơ sở; đại diện NLĐ phải tổ chức lấy ý kiến về cuộc đình công theo quy định tại Điều 212 Bộ luật Lao động 2012.
- Đình công hợp pháp khi tập thể người lao động đình công cùng làm việc trong một doanh nghiệp.
- Chỉ được tiến hành tại doanh nghiệp được phép đình công; (không thuộc danh mục những doanh nghiệp không được đình công do Chính phủ quy định).
- Cuộc đình công không bị hoãn hay ngừng đình công theo quy định cơ quan thẩm quyền.
2. Thời điểm phát sinh quyền đình công
Đình công được công nhận là hợp pháp khi phát sinh đúng thời điểm; theo Khoản 2, Điều 209, Bộ luật Lao động 2012:
- Xảy ra khi có tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
- Sau 5 ngày kể từ khi Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành công; nhưng một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận đã đạt được.
- Sau 3 ngày kể từ khi Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành công.
3. Đối tượng có thẩm quyền tổ chức đình công?
Để tiến hành đình công đúng quy định của pháp luật, cuộc đình công phải do:
- Doanh nghiệp có công đoàn cơ sở thì do Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo.
- Doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở thì do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của NLĐ.
4. Trình tự đình công
4.1. Lấy ý kiến tập thể người lao động
Một cuộc đình công có thành công hay không, một phần chính là nhờ sự đồng lòng, nhất trí, ủng hộ của tất cả mọi người.
- Nơi có tổ chức công đoàn cơ sở: lấy ý kiến của thành viên BCH công đoàn cơ sở; các tổ trưởng tổ sản xuất.
- Nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở: lấy ý kiến của các tổ trưởng tổ sản xuất, NLĐ.
- Hình thức lấy ý kiến: Bỏ phiếu hoặc tập hợp chữ ký.
- Thời gian lấy ý kiến: ít nhất 1 ngày trước khi đình công.
- Nội dung lấy ý kiến: Phương án đình công (thời gian, đia điểm); phạm vi đình công; yêu cầu với người tham gia đình công; ý kiến của NLĐ (đồng ý hay không đồng ý đình công).
4.2. Ra quyết định đình công
Nếu có trên 50% số người đồng ý đình công thì BCH công đoàn cơ sở mới ra quyết định đình công bằng văn bản. Nội dung quyết định gồm:
- Kết quả lấy ý kiến về đình công
- Thời gian, địa điểm tiến hành
- Phạm vi đình công
- Yêu cầu với người tham gia đình công
- Chữ ký, họ tên của người đại diện đình công
Trước ngày đình công ít nhất 5 ngày, BCH công đoàn cơ sở gửi quyết định đình công cho người lao động; cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh; công đoàn cấp tỉnh.
4.3. Tiến hành đình công
Tập thể người lao động và BCH công đoàn tiến hành đình công như nội dung quyết định đình công; nếu phía doanh nghiệp không chấp thuận; giải quyết các tranh chấp, yêu cầu của NLĐ.
5. Quyền và nghĩa vụ của các bên khi đình công
Phía tập thể người lao động:
- Được chấm dứt đình công khi đang đình công; rút quyết định đình công khi chưa đình công.
- Yêu cầu Tòa án tuyên bố đình công đó là hợp pháp.
Phía người sử dụng lao động:
- Chấp thuận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của tập thể người lao động đình công.
- Đóng cửa nơi làm việc do đình công.
- Yêu cầu Tòa án tuyên bố đình công đó là bất hợp pháp.
Trên đây là những quy định mà người lao động cần biết về đình công hợp pháp. Đình công không phải là hoạt động vi phạm pháp luật nếu đươc tiến hành vi lợi ích chung của tập thể; thực hiện đúng quy trình pháp luật. Để bảo đảm lợi ích hợp pháp của mình cũng như doanh nghiệp, NLĐ cần hiểu rõ các quy định pháp luật về đình công; tránh những sai phạm nghiêm trọng sẽ mang đến kết quả không có lợi.
Xem thêm:
Quy định về các khoản chi phí được tính vào chi phúc lợi cho nhân viên
Hướng dẫn tính thuế thu nhập cá nhân từ trúng thưởng
Hướng dẫn kế toán tiền lương trong một số trường hợp đặc biệt