Công nghệ 4.0 đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống. Trong đó, nền kinh tế thế giới nhanh chóng tạo ra xu thế kinh tế số. Lĩnh vực kế toán, một phần của kinh tế cũng không nằm ngoài những tác động đó. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế – tài chính quốc tế, kế toán khu vực và thế giới cũng đã vận động, phát triển để phù hợp với những tác động thực tiễn. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến những thay đổi của quy trình kế toán trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang bao trùm thế giới.
1. Kinh tế số tác động đến quy trình kế toán
Quy trình làm kế toán:
1. Nghiệp vụ kinh tế phát sinh: Lập chứng từ kế toán |
2. Ghi sổ sách kế toán Cuối kỳ (Thực hiện bút toán cuối kỳ và bút toán kết chuyển) |
3. Lập bảng cân đối sổ phát sinh |
4. Lập báo cáo tài chính quyết toán thuế |
5. In sổ sách, đóng quyển, lưu kho |
Quy trình kế toán là quá trình xác định, ghi chép và tổng hợp lại các thông tin kinh tế; sau đó báo cáo cho những người ra quyết định. Với sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những thành tựu về công nghệ sẽ làm thay đổi căn bản quy trình kế toán hiện nay nói riêng; và xu thế tài chính, kế toán nói chung.
2. Thay đổi công việc của kế toán tại doanh nghiệp
Công việc kế toán tại doanh nghiệp khá nhiều và phức tạp. Nhưng hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ số, công tác kế toán được tự động hóa, mang lại hiệu quả, năng suất hơn.
Ví dụ, công tác lưu trữ hóa đơn, chứng từ trước đây chủ yếu ở dạng văn bản; thời gian này gần như đã được số hóa hoàn toàn; hóa đơn giấy được thay thế bằng hóa đơn điện tử. Các công việc nhập và tính bằng tay như nhập bút toán, lập bảng tính tiền lương, ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính, phân tích báo cáo tài chính,… được thay thế bằng các phần mềm kế toán. Công việc của nhân viên kế toán được hỗ trợ bằng công nghệ, giảm gánh nặng, áp lực công việc.
3. Công nghệ thông tin hỗ trợ nghiệp vụ kế toán
Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, kế toán trở thành một trong những lĩnh vực dẫn đầu về áp dụng CNTT. Theo các chuyên gia đánh giá, lĩnh vực kế toán sẽ tiếp tục được tin học hóa một cách sâu sắc. Các phần hành của nghiệp vụ kế toán được áp dụng công nghệ thông tin, làm thay đổi căn bản quy trình kế toán.
Sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, Big Data,… giúp kế toán truy cập nhanh vào các dữ liệu trong thời gian ngắn mà vẫn đảm bảo tính bảo mật; các nghiệp vụ kế toán cũng trở nên đơn giản, nhanh gọn hơn.
4. Quy trình an toàn dữ liệu kế toán
Trước đây, chứng từ kế toán, hóa đơn chủ yếu được lưu trữ ở dạng văn bản bằng giấy; cất giữ trong những phương tiện thô sơ như thùng giấy, hộp,…; dẫn đến thường xảy ra thất thoát tài liệu do thiên tai, hỏa hoạn, phai mờ mực trên giấy, mất, rách. Nhưng ngày nay, công nghệ Big Data, cho phép kế toán lưu trữ lượng lớn tài liệu trên các phần mềm lưu trữ tài liệu online hoặc offline.
Công nghệ Blockchain ra đời, cho phép kế toán sử dụng mật mã và giao thức tin nhắn phân tán để tạo lập các thông tin kế toán chi tiết. Công nghệ này cung cấp hệ thống ghi sổ đa chiều với công nghệ sổ cái phân phối mới, thay cho hệ thống ghi sổ kép cũ. Ngoài ra, hệ thống này sẵn sàng thay đổi để phù hợp với mục tiêu; không cần các bản ghi riêng dựa trên biên lai giao dịch. Theo đó, các giao dịch sẽ được ghi trực tiếp vào một thanh ghi, tạo ra một hệ thống các bản ghi có liên kết; hay một khối thông tin được xác minh tự động và tất cả người dùng đều xem được.
5. Phương thức cung cấp thông tin kế toán cho nhà quản trị
Thay vì gửi những thông tin kế toán khô cứng, khó hiểu, khó hình dung cho các nhà quản trị theo cách truyền thống; thì hiện nay, với việc áp dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, các thông tin kế toán, kiểm toán có thể tích hợp với nhiều sản phẩm, dịch vụ, thông tin phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của các nhà đầu tư, nhà quản trị và xã hội.
6. Công tác quản lý hoạt động kế toán của nhà nước
Với sự xuất hiện của nhiều hình thức kinh doanh mới như hiện nay, một vấn đề xuất hiện đó là làm sao để các quy định của pháp luật có thể nhanh chóng được điều chỉnh và đi vào đời sống. Lúc này đã có công nghệ số, không chỉ giúp cơ quan quản lý đưa thông tin đến mọi doanh nghiệp một cách nhanh nhất; mà còn dễ dàng nắm bắt được hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thông qua đây cũng nhanh chóng nắm được các quy định mới nhất và cách thức quản lý của cơ quan nhà nước.
Để công tác quản lý được diễn ra thuận tiện, kế toán doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước cần nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ; cập nhật và ứng dụng nhanh trong công việc.
Như vậy, sự ra đời của công nghệ số 4.0 đã mang đến nhiều thay đổi tích cực trong lĩnh vực kế toán nói chung; và quy trình kế toán nói riêng. Sự thay đổi này là tất yếu và sẽ còn phát triển và tiến xa hơn trong tương lai. Đó cũng là sự vận động của kinh tế, tài chính thế giới.
Xem thêm:
Những điều được và mất khi bạn theo ngành kế toán
4 Phần mềm quản lý văn bản miễn phí kế toán phải bỏ túi ngay
Top 5 chứng chỉ kế toán mà một kế toán viên chuyên nghiệp cần có