Người sếp nào cũng mong muốn nhân viên làm việc hiệu quả, có tác phong chuyên nghiệp nhất. Chính vì vậy, họ sẽ luôn quan sát, âm thầm đánh giá nhân viên của mình. Vậy bạn đã biết sếp của mình sẽ đánh giá nhân viên qua những tiêu chí nào chưa? Dưới đây là 7 tiêu chí sếp luôn âm thầm đánh giá bạn. Hãy chú ý tới hành vi, tác phong làm việc của mình để tạo được ấn tượng trong mắt sếp nhé.
1. Thời gian bạn tới công ty
Công ty bạn bắt đầu buổi làm việc lúc nào? Bạn thường đến công ty lúc mấy giờ? Mỗi công ty có yêu cầu về thời gian làm việc khác nhau. Nhưng nói chung bạn nên đến công ty trước lúc vào giờ làm việc khoảng 10-15 phút. Khoảng thời gian này, bạn có thể kiểm tra mail công việc; kiểm tra lại những công việc chưa hoàn thành của ngày trước; sắp xếp công việc cần làm trong ngày.
Đừng nên đến công ty muộn. Dù chỉ muộn 5 – 10 phút thì bạn cũng có thể vào “tầm ngắm” của sếp đấy.
2. Bạn kết thúc công việc lúc mấy giờ?
HIển nhiên vị sếp nào cũng muốn nhân viên có thể đi sớm về muộn; cống hiến sức mình vì công ty. Nhưng không có nghĩa là ngày nào bạn cũng phải lao lực đi sớm về muộn. Hãy cân bằng giữa công việc và sức khỏe của bản thân.
Lời khuyên là bạn nên hoàn thành công việc trong ngày; và ra về sau thời gian kết thúc giờ làm khoảng 5 -10 phút để kiểm tra lại công việc. Bạn không nên ra về giữa giờ hay chưa đến giờ tan làm đã về, dù công việc đã hoàn thành đi chăng nữa. Một bí quyết nhỏ là bạn nên cố ở công ty lại muộn một chút vào ngày thứ 6 hoặc thứ 7; cố tỏ ra không quá háo hức cho ngày cuối tuần.
3. Bạn có hay làm việc riêng trong giờ làm việc không?
Trong giờ làm việc, bạn cần tránh sử dụng điện thoại, máy tính để vào MXH làm việc riêng; xem phim; gọi điện quá nhiều,… Bạn đừng nghĩ, mình ngồi ở vị trí riêng và làm những việc này thì sếp sẽ không biết tới. Những vị sếp thường rất “cao tay”, có thể quan sát nhân viên ở bất cứ đâu, chỉ là họ có muốn vạch trần bạn chưa thôi.
Đừng làm việc riêng thường xuyên, sẽ khiến sếp ngày càng chú ý và không hài lòng với bạn. Hãy chủ động tránh xa điện thoại khi làm việc nhé.
4. Lời ăn tiếng nói của bạn ở nơi làm việc
Ông bà ta vẫn có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, với ý nghĩa đề cao lời ăn, tiếng nói. Cách bạn ứng xử, nói chuyện, trao đổi trong cách cuộc tranh luận cũng là điều mà sếp luôn chú ý. Không phải cứ lớn tiếng, thể hiện cái tôi của mình một cách “bùng nổ” khi tranh luận là tốt. Hãy biết cách kiềm chế cảm xúc, giữ lời ăn, tiếng nói nhẹ nhàng, thuyết phục để tạo ấn tượng với sếp nhé.
5. Trang phục khi tới nơi làm việc
Vẻ ngoài cũng là yếu tố sếp chú ý tới bạn. Hãy luôn giữ cho mình thật chỉn chu khi tới công ty bằng những bộ trang phục thoải mái, phù hợp với tính chất công việc. Là kế toán, làm việc ở chốn công sở, bạn nên chọn sơ mi, quần tây, chân váy dài qua đầu gối với nữ. Nếu công ty bạn quy định mặc đồng phục thì hãy tuân thủ quy định nhé.
6. Cách bạn sắp xếp công việc
Một nhân viên giỏi không chỉ có kiến thức chuyên môn tốt mà kỹ năng trong công việc cũng quan trọng. Một người biết sắp xếp công việc khoa học, thời gian hợp lý; đồng nghĩa sẽ có trách nhiệm với công việc hơn; giải quyết công việc có hiệu quả hơn.
Lời khuyên là, đừng để công việc chất đống từ ngày này qua ngày khác. Đừng để deadline khiến bạn trở nên áp lực; làm chậm trễ công việc. Hãy chủ động sắp xếp công việc của mình và hoàn thành hiệu quả, đúng thời hạn. Sếp sẽ đánh giá cao về bạn.
7. Bạn có thực sự hòa đồng nơi làm việc?
Công việc có hiệu quả hay không, một phần cũng do mối quan hệ giữa bạn với đồng nghiệp và sếp. Tâm lý thoải mái, vui vẻ mỗi khi đến công ty sẽ đem lại cho bạn thái độ tích cực khi làm việc.
Hãy thường xuyên tham gia vào các hoạt động chung của công ty, tạo mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp. Khi cần làm việc thì trao đổi tích cực; khi cần “xả hơi” thì hãy cứ “bùng nổ”. Đừng khiến mình trở nên lạc lõng, cô lập trong môi trường mới.
Ai cũng sẽ có những lần thay đổi môi trường làm việc. Đừng để sếp thấy bạn không hòa đồng, không thể thích nghi với môi trường mới nhé.
Trên đây là 7 tiêu chí sếp âm thầm âm thầm đánh giá nhân viên của mình và cũng là 7 lời khuyên mình muốn chia sẻ với các bạn. Đừng chủ quan. Hãy luôn chú ý giữ cho mình hình ảnh nhân viên chỉn chu, nghiêm túc từ tác phong cho đến kỹ năng làm việc nhé. Chúc các bạn thành công!
Xem thêm:
6 lời khuyên hữu ích cho kế toán vượt qua stress mối ngày
3 lỗi cơ bản kế toán mới ra trường thường hay mắc phải
Kế toán trưởng – Vị trí quan trọng, mẫu mực trong doanh nghiệp