Kinh nghiệm Khi thành lập chi nhánh mới doanh nghiệp cần lưu ý những...

Khi thành lập chi nhánh mới doanh nghiệp cần lưu ý những gì?

876

Doanh nghiệp phát triển và mở thêm chi nhánh là điều tất yếu. Nhưng có phải muốn mở chi nhanh là mở được ngay? Câu trả lời là Không. Mời bạn đọc những lưu ý, điều kiện khi doanh nghiệp muốn thành lập chi nhánh mới nhé. 

thành lập chi nhánh

1. Ngành nghề kinh doanh của chi nhánh mới phải đúng với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp

Theo Khoản 1, Điều 45, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.”

Như vậy, ngành nghề kinh doanh giữa chi nhánh và doanh nghiệp phải thống nhất với nhau.

Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp mở chi nhánh mới nhưng ngành nghề kinh doanh của chi nhánh trong kế hoạch chưa được doanh nghiệp đăng ký thì doanh nghiệp cần phải hoàn thiện thủ tục Thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh.

2. Chi nhánh mới thành lập có trách nhiệm khai thuế khi hoạt động

2.1. Khai, nộp lệ phí môn bài

Chi nhánh khi mới đi vào hoạt động phải khai lệ phí môn bài. Thời gian kê khai chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng chi nhánh bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh.

Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 4 của Thông tư 302/2016/TT-BTC quy định, mức nộp lệ phí môn bài đối với các chi nhánh mới thành lập của doanh nghiệp là 1.000.000 đồng/ năm.

2.2. Kê khai thuế giá trị gia tăng

Khi chi nhánh mới của doanh nghiệp kê khai thuế giá trị gia tăng thì lưu ý những điều sau:

  • Nếu chi nhánh nằm ở cùng một địa phương cấp tỉnh, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; thì chi nhánh kinh doanh được kê khai thuế giá trị gia tăng chung với doanh nghiệp.
  • Nếu chi nhánh không nằm ở cùng một địa phương cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; thì chi nhánh kinh doanh kê khai thuế giá trị gia tăng tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
  • Nếu chi nhánh đó của doanh nghiệp không trực tiếp bán hàng, không có doanh thu; thì việc kê khai thuế giá trị gia tăng tập trung tại trụ sở chính.

2.3. Kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp

Khi kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp, chi nhánh mới thành lập cần lưu ý:

  • Nếu chi nhánh của doanh nghiệp tiến hành hạch toán độc lập; thì nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh tại chi nhánh cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp chi nhánh.
  • Nếu chi nhánh của doanh nghiệp muốn hạch toán phụ thuộc; thì chi nhánh đó không phải nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp chủ sẽ có trách nhiệm kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp tại trụ sở chính cho phần thuế phát sinh tại chi nhánh.

Kết quả hình ảnh cho thành lập chi nhánh công ty

2.4. Kê khai thuế thu nhập cá nhân

Khi kê khai thuế thu nhập cá nhân, chi nhánh của doanh nghiệp cần lưu ý:

  • Nếu người lao động trực tiếp ký kết hợp đồng lao động với chi nhánh, đăng ký giảm trừ gia cảnh tại chi nhánh, nhưng có thỏa thuận với doanh nghiệp trả lương thay cho chi nhánh; thì chi nhánh có trách nhiệm kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân cho người lao động tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
  • Nếu người lao động được điều động đến làm việc tại chi nhánh nhưng không ký kết hợp đồng lao động trực tiếp với chi nhánh mà với ký  kết với doanh nghiệp, đăng ký giảm trừ gia cảnh với doanh nghiệp và được trả lương; thì chi nhánh không cần kê khai nộp thuế cho người lao động. Doanh nghiệp chủ sẽ là đơn vị kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân cho người lao động tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

3. Chi nhánh được giao kết hợp đồng lao động trong phạm vi được doanh nghiệp ủy quyền

Theo Khoản 1, Điều 45, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền.”

Khoản 5, Điều 84, Bộ luật Dân sự năm 2015 cùng quy định: “Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.”

Tóm lại, chỉ khi được doanh nghiệp chủ ủy quyền thì doanh nghiệp chi nhánh mới được phép thực hiện các giao kết, hợp đồng lao động phục vụ hoạt động của mình.

Trên đây là những lưu ý quan trọng mà DN cần nắm được khi muốn thành lập chi nhánh mới. Hy vọng thông tin hữu ích. Chúc bạn thành công!

Xem thêm:

Xử lý thế nào khi hết thử việc mà công ty không ký hợp đồng?

Kế toán doanh nghiệp và kế toán hành chính sự nghiệp khác nhau thế nào?

Quy tắc quản lý tiền siêu hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ