Doanh nghiệp thường thực hiện trích lập quỹ dự phòng tiền lương. Quỹ này giúp doanh nghiệp đảm bảo không làm gián đoạn việc chi trả lương cho cán bộ, công nhân viên. Vậy thì, mức trích lập dự phòng này là bao nhiêu? Hạch toán quỹ này như thế nào? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây. Mời bạn đọc theo dõi.
Mức trích lập quỹ dự phòng tiền lương
Căn cứ pháp lý
Doanh nghiệp cần lập quỹ dự phòng tiền lương theo một mức nhất định. Mức này được quy định tại Thông tư 96/2015/TT-BTC. Trích Mục c, Khoản 2, Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC như sau:
“Chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.
Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).
Việc lập dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, doanh nghiệp không bị lỗ, nếu doanh nghiệp bị lỗ thì không được trích đủ 17%.
Trường hợp năm trước doanh nghiệp có lập quỹ dự phòng tiền lương mà sau 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính doanh nghiệp chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ dự phòng tiền lương thì doanh nghiệp phải tính giảm chi phí của năm sau.”
Mức trích lập dự phòng
Như vậy, doanh nghiệp tự trích lập quỹ dự phòng tiền lương với mức tối đa không quá 17% quỹ lương.
Quỹ lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán. Quỹ lương thực hiện không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng năm trước chi cho quyết toán.
Việc trích lập dự phòng tiền lương phải đảm bảo doanh nghiệp không bị lỗ sau khi trích lập. Nếu doanh nghiệp bị lỗ thì không được trích đủ 17%.
Trong vòng 6 tháng sau khi trích lập, quỹ này phải được chi hết. Nếu doanh nghiệp chưa sử dụng hết thì doanh nghiệp phải tính giảm chi phí của năm sau.
Hạch toán quỹ dự phòng tiền lương
Ketoan.vn xin hướng dẫn bạn đọc cách hạch toán như sau:
Khi doanh nghiệp trích lập quỹ dự phòng tiền lương
Khi trích lập, kế toán hạch toán như sau:
Nợ TK 642: chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 352: dự phòng phải trả
Khi doanh nghiệp chi trả tiền lương từ quỹ dự phòng
Khi chi trả tiền lương cho người lao động từ quỹ dự phòng, kế toán hạch toán như sau:
Nợ TK 352: dự phòng phải trả
Có TK 334: Phải trả người lao động
Khi doanh nghiệp lập Báo cáo tài chính
Khi lập Báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải xác định số dự phòng tiền lương cần trích lập:
– Nếu số dự phòng phải trả cần lập ở kỳ kế toán này lớn hơn số đã lập ở kỳ kế toán trước nhưng chưa sử dụng hết thì số chênh lệch hạch toán vào chi phí:
Nợ TK 642: Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 352: Dự phòng phải trả
– Nếu số dự phòng phải trả cần lập ở kỳ kế toán này nhỏ hơn số đã lập ở kỳ kế toán trước nhưng chưa sử dụng hết thì số chênh lệch hoàn nhập ghi giảm chi phí:
Nợ TK 352: Dự phòng phải trả
Có TK 642: Chi phí quản lý doanh nghiệp
Trên đây là các thông tin về quỹ dự phòng tiền lương mà kế toán cần nắm rõ. Trích lập quỹ dự phòng này sẽ giúp cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc trả lương cho người lao động. Chúc các bạn thành công.
Bạn đọc xem thêm các bài viết khác tại đây:
Thông tư 107/2017/TT-BTC về Hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp
Thành lập doanh nghiệp và những thông tin quan trọng về đăng ký doanh nghiệp
Kế toán hành chính sự nghiệp là gì? Nội dung của kế toán hành chính sự nghiệp?
Quy định về mức phạt hành vi trốn thuế, gian lận thuế của doanh nghiệp