Trợ cấp thai sản luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với lao động nữ. Không chỉ vậy, kế toán cũng cần phải nắm rõ các thông tin liên quan đến vấn đề này để chủ động trong công việc của mình. Mới đây, mức lương cơ sở vừa tăng lên. Mức lương cơ sở tăng kéo theo mức trợ cấp thai sản năm 2020 cũng tăng lên ít nhiều. Cùng Ketoan.vn tìm hiểu cụ thể tại bài viết sau nhé.
Mức trợ cấp một lần khi sinh con
Căn cứ pháp lý
Căn cứ theo Điều 38, Luật Bảo hiểm xã hội:
“Lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con”.
Như vậy số tiền trợ cấp một lần khi sinh con là 2 tháng lương cơ sở cho mỗi con.
Tiền trợ cấp một lần sinh con
Theo quy định mới nhất, từ nay đến ngày 30/6/2020, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng. Từ 1/7/2020, mức lương cơ sở là 1.600.000 đồng/tháng.
Theo đó, ta có thể tính tiền trợ cấp một lần sinh con như sau:
– Nếu sinh con trước ngày 1/7/2020: tiền trợ cấp một lần cho mỗi con là:
1.490.000 đồng x 2 = 2.980.000 đồng
– Nếu sinh con từ ngày 1/07/2020, mức trợ cấp một lần cho mỗi con là:
1.600.000 đồng x 2 = 3.200.000 đồng
Trợ cấp thai sản trong thời gian nghỉ sinh
Căn cứ theo Điều 39, Luật Bảo hiểm xã hội:
“Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con mỗi tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”.
Trong trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng trợ cấp là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Theo quy định hiện nay, nữ lao động được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con trong vòng 6 tháng.
Như vậy, nếu mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi lao động nữ nghỉ sinh con là 7 triệu đồng. Thì tổng tiền trợ cấp thai sản trong thời gian nghỉ sinh là: 7 triệu đồng x 6 = 42 triệu đồng.
Tiền dưỡng sức sau sinh
Căn cứ pháp lý
Căn cứ theo Điều 41, Luật Bảo hiểm xã hội: “Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ”. Ngoài ra, trong những ngày nghỉ dưỡng sức, lao động nữ cũng được hưởng tiền trợ cấp. Mức trợ cấp mỗi ngày bằng 30% lương cơ sở.
Để được hưởng trợ cấp sau sinh, lao động nữ phải có tên trong danh sách lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Danh sách này do người sử dụng lao động lập.
Thời gian nghỉ dưỡng sức sau sinh
Thời gian được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ quy định cụ thể như sau:
– Với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên: nghỉ tối đa 10 ngày.
– Với lao động nữ sinh mổ: nghỉ tối đa 7 ngày.
– Với các trường hợp khác: nghỉ tối đa 5 ngày.
Thời gian trên đã bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Tiền dưỡng sức sau sinh
Căn cứ theo quy định mới nhất được Quốc Hội thông qua:
– Từ nay đến ngày 30/6/2020, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng. Như vậy nếu lao động nghỉ dưỡng sức trước 1/7/2020, số tiền trợ cấp mỗi ngày là:
1.490.000 đồng x 30% = 447.000 đồng
– Từ 1/7/2020, mức lương cơ sở là 1.600.000 đồng/tháng. Như vậy nếu lao động nghỉ dưỡng sức từ 1/7/2020, số tiền trợ cấp mỗi ngày là:
1.600.000 đồng x 30% = 480.000 đồng
Trên đây, Ketoan.vn đã cung cấp các thông tin về mức trợ cấp thai sản mới nhất năm 2020. Việc tăng lương cơ sở làm cho mức trợ cấp tăng lên ít nhiều. Kế toán cần lưu ý để tránh sai sót trong công việc của mình. Đồng người người lao động cũng nên chuẩn bị các hồ sơ liên quan để được hưởng các trợ cấp. Chúc các bạn thành công.
Xem thêm các bài viết tại đây:
Thông tư 107/2017/TT-BTC về Hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp
Chi phí đầu vào không có hóa đơn có được đưa vào chi phí hợp lý không?
Các trường hợp doanh nghiệp bị ấn định thuế
Quy định về mức phạt hành vi trốn thuế, gian lận thuế của doanh nghiệp