Nổi bật 1 Cách hạch toán tài khoản 154 – Chi phí sản xuất, kinh...

Cách hạch toán tài khoản 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

2552
Mục lục Hiển thị

Nhắc đến hạch toán hàng tồn kho không thể không kể đến tài khoản 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang vốn đã vô cùng quen thuộc với những kế toán lành nghề.

Bài tham khảo: Hướng dẫn cách đánh giá chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ


Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được cách hạch toán tài khoản 154 một cách chính xác. Vì vậy, để hiểu rõ về nguyên tắc kế toán cũng như cách hạch toán tài khoản 154, xin mời các bạn theo dõi bài viết sau đây.

tài khoản 154

I. Tài khoản 154 là gì?

Tài khoản 154 là một tài khoản kế toán được dùng để tổng hợp chi phí sản xuất, kinh doanh phục vụ cho việc tính giá thành sản phẩm, dịch vụ ở doanh nghiệp áp dụng phương pháp kê khai thường xuyên trong hạch toán hàng tồn kho.

Ở những doanh nghiệp áp dụng phương pháp kiểm kê định kỳ trong hạch toán hàng tồn kho, tài khoản 154 chỉ phản ánh giá trị thực tế của sản phẩm, dịch vụ dở dang cuối kỳ.

II. Nguyên tắc kế toán tài khoản 154

1. Nguyên tắc số 1

Tài khoản 154 phản ánh những hạng mục như sau:

  • Chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ
  • Chi phí sản xuất, kinh doanh của khối lượng sản phẩm, dịch vụ hoàn thành trong kỳ
  • Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang đầu kỳ, cuối kỳ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính, phụ và thuê ngoài gia công chế biến ở các doanh nghiệp sản xuất hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ
  • Chi phí sản xuất, kinh doanh của các hoạt động sản xuất, gia công chế biến, hoặc cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp thương mại, nếu có tổ chức các loại hình hoạt động này

2. Nguyên tắc số 2

Chi phí sản xuất, kinh doanh hạch toán trên tài khoản 154 phải được chi tiết theo địa điểm phát sinh chi phí, theo loại hoặc theo nhóm sản phẩm. Ngoài ra còn có thể hạch toán theo chi tiết, bộ phận sản phẩm, theo từng loại dịch vụ hoặc theo từng công đoạn dịch vụ.

3. Nguyên tắc số 3

Chi phí sản xuất, kinh doanh phản ánh trên tài khoản 154 gồm những chi phí như sau:

  • Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp
  • Chi phí nhân công trực tiếp
  • Chi phí sử dụng máy thi công (đối với hoạt động xây lắp)
  • Chi phí sản xuất chung

4. Nguyên tắc số 4

Chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công vượt trên mức trung bình và chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ không được tính vào giá trị hàng tồn kho mà phải tính vào giá vốn hàng bán của kỳ kế toán.

5. Nguyên tắc số 5

Cuối kỳ, phân bổ và kết chuyển chi phí sản xuất chung cố định vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường (Có TK 627, Nợ TK 154). Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường thì kế toán phải tính và xác định chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường. Khoản chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ (không tính vào giá thành sản phẩm) được ghi nhận vào giá vốn hàng bán trong kỳ (Có TK 627, Nợ TK 632). Chi phí sản xuất chung biến đổi được phân bổ hết vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh.

6. Nguyên tắc số 6

Không được hạch toán những chi phí sau vào tài khoản 154:

  • Chi phí bán hàng
  • Chi phí quản lý doanh nghiệp
  • Chi phí tài chính
  • Chi phí khác
  • Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp
  • Chi sự nghiệp, chi dự án
  • Chi đầu tư xây dựng cơ bản
  • Các khoản chi được trang trải bằng nguồn khác

tài khoản 154

III. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 154

Kết cấu của tài khoản 154 bao gồm: bên Nợ, bên Có và số dư bên Nợ. Nội dung của mỗi phần được thể hiện chi tiết như sau:

1. Bên Nợ

  • Các chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sử dụng máy thi công, chi phí sản xuất chung phát sinh trong kỳ liên quan đến sản xuất sản phẩm và chi phí thực hiện dịch vụ.
  • Các chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sử dụng máy thi công, chi phí sản xuất chung phát sinh trong kỳ liên quan đến giá thành sản phẩm xây lắp công trình hoặc giá thành xây lắp theo giá khoán nội bộ.
  • Kết chuyển chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).

2. Bên Có

  • Giá thành sản xuất thực tế của sản phẩm đã chế tạo xong nhập kho, chuyển đi bán, tiêu dùng nội bộ ngay hoặc sử dụng ngay vào hoạt động XDCB
  • Giá thành sản xuất sản phẩm xây lắp hoàn thành bàn giao từng phần, hoặc toàn bộ tiêu thụ trong kỳ; hoặc bàn giao cho doanh nghiệp nhận thầu chính xây lắp (cấp trên hoặc nội bộ); hoặc giá thành sản phẩm xây lắp hoàn thành chờ tiêu thụ
  • Chi phí thực tế của khối lượng dịch vụ đã hoàn thành cung cấp cho khách hàng
  • Trị giá phế liệu thu hồi, giá trị sản phẩm hỏng không sửa chữa được
  • Trị giá nguyên liệu, vật liệu, hàng hoá gia công xong nhập lại kho
  • Phản ánh chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công vượt trên mức bình thường và chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ không được tính vào trị giá hàng tồn kho mà phải tính vào giá vốn hàng bán của kỳ kế toán. Đối với doanh nghiệp sản xuất theo đơn đặt hàng, hoặc doanh nghiệp có chu kỳ sản xuất sản phẩm dài mà hàng kỳ kế toán đã kết chuyển chi phí sản xuất chung cố định vào TK 154 đến khi sản phẩm hoàn thành mới xác định được chi phí sản xuất chung cố định không được tính vào trị giá hàng tồn kho mà phải hạch toán vào giá vốn hàng bán (Có TK 154, Nợ TK 632)
  • Kết chuyển chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ)

3. Số dư bên Nợ

Nội dung của số dư bên Nợ chính là chi phí sản xuất, kinh doanh còn dở dang cuối kỳ.

IV. Cách hạch toán một số giao dịch thường gặp trong tài khoản 154

1. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên

a) Kết chuyển chi phí nguyên vật liệu trực tiếp theo từng đối tượng tập hợp chi phí

Kế toán cần ghi:

  • Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
  • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (phần chi phí NVL trên mức bình thường)
  • Có TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp

b) Kết chuyển chi phí nhân công trực tiếp theo từng đối tượng tập hợp chi phí

  • Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
  • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chi phí nhân công trên mức bình thường)
  • Có TK 622 – Chi phí nhân công trực tiếp

c) Mức sản phẩm thực tế sản xuất ra cao hơn hoặc bằng công suất bình thường

Trong trường hợp này, kế toán phải thực hiện việc tính toán, phân bổ và kết chuyển toàn bộ chi phí sản xuất chung (biến đổi và cố định) cho từng đối tượng tập hợp chi phí. Lúc này, kế toán ghi:

  • Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
  • Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung

d) Mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường

Trong trường hợp này, kế toán phải tính và xác định chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường. Khoản chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ ((không tính vào giá thành sản phẩm số chênh lệch giữa tổng số chi phí sản xuất chung cố định thực tế phát sinh lớn hơn chi phí sản xuất chung cố định tính vào giá thành sản phẩm) được ghi nhận vào giá vốn hàng bán trong kỳ, ghi:

  • Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
  • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (phần chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ vào giá thành sản phẩm)
  • Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung

e) Trị giá nguyên liệu, vật liệu xuất thuê ngoài gia công nhập lại kho

Kế toán cần ghi:

  • Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu
  • Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

f) Trị giá sản phẩm hỏng không sửa chữa được, người gây ra thiệt hại sản phẩm hỏng phải bồi thường

Kế toán cần ghi:

  • Nợ TK 138 – Phải thu khác (1388)
  • Nợ TK 334 – Phải trả người lao động
  • Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

tài khoản 154

g) Giá thành sản phẩm thực tế nhập kho trong kỳ

Kế toán cần ghi:

  • Nợ TK 155 – Thành phẩm
  • Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

h) Sản phẩm sản xuất ra được tiêu dùng nội bộ ngay hoặc tiếp tục xuất dùng

Kế toán cần ghi:

  • Nợ các TK 641, 642, 241
  • Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

i) Kế toán sản phảm sản xuất thử

Các chi phí sản xuất sản phẩm thử được tập hợp trên TK 154 như đối với các sản phẩm khác. Khi thu hồi (bán, thanh lý) sản phẩm sản xuất thử, ghi:

  • Nợ các TK 111, 112, 131
  • Có TK 154 – Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang
  • Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (nếu có).

Kết chuyển phần chênh lệch giữa chi phí sản xuất thử và số thu hồi từ việc bán, thanh lý sản phẩm sản xuất thử:

  • Nếu chi phí sản xuất thử cao hơn số thu hồi từ việc bán, thanh lý sản phẩm sản xuất thử, kế toán ghi tăng giá trị tài sản đầu tư xây dựng, ghi:

Nợ TK 241 – XDCB dở dang

Có TK 154 – Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

  • Nếu chi phí sản xuất thử nhỏ hơn số thu hồi từ việc bán, thanh lý sản phẩm sản xuất thử, kế toán ghi giảm giá trị tài sản đầu tư xây dựng, ghi:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang

Có TK 241 – XDCB dở dang.

k) Sản phẩm sản xuất xong không nhập kho mà chuyển thẳng cho người mua hàng (điện, nước…)

Kế toán cần ghi:

  • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
  • Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

2. Trường hợp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ

a) Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào kết quả kiểm kê thực tế, xác định trị giá thực tế chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang và thực hiện việc kết chuyển, ghi:

  • Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
  • Có TK 631 – Giá thành sản xuất.

b) Đầu kỳ kế toán, kết chuyển chi phí thực tế sản xuất, kinh doanh dở dang, ghi:

  • Nợ TK 631 – Giá thành sản xuất
  • Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Xem thêm:

Hướng dẫn hạch toán tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ

Nguyên tắc hạch toán tài khoản 338 – Phải trả, phải nộp khác

Cách hạch toán một số giao dịch chủ yếu tài khoản 338 – Phải trả, phải nộp khác