Nghiệp Vụ old Thủ tục đưa hàng hóa quá hạn sử dụng, hư hỏng vào...

Thủ tục đưa hàng hóa quá hạn sử dụng, hư hỏng vào chi phí hợp lý

2501

Hàng hóa quá hạn sử dụng, hư hỏng biến chất là điều không thể tránh khỏi với các doanh nghiệp. Vậy thì khi có hàng hóa như vậy, doanh nghiệp phải làm gì để đưa nó vào chi phí hợp lý? Doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ gì? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây. 

See the source image

Hàng hóa quá hạn sử dụng, hư hỏng được tính vào chi phí hợp lý

Điều 4, thông tư 96/2015/TT-BTC quy định như sau:

“Hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”

Điều 14, thông tư 219/2013/TT-BTC quy định như sau:

– Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất.

– Các trường hợp tổn thất không được bồi thường được khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm: thiên tai, hỏa hoạn, các trường hợp tổn thất không được bảo hiểm bồi thường, hàng hóa mất phẩm chất, quá hạn sử dụng phải tiêu hủy.

– Cơ sở kinh doanh phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh các trường hợp tổn thất không được bồi thường để khấu trừ thuế.

Thủ tục đưa hàng hóa quá hạn sử dụng, hư hỏng vào chi phí hợp lý

Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định hồ sơ đối với hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng được tính vào chi phí được trừ như sau:

– Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa bị hư hỏng do doanh nghiệp lập. Biên bản này phải xác định rõ:

+ Tên, số lượng, chủng loại hàng hóa bị hư hỏng

+ Giá trị hàng hóa bị hư hỏng và nguyên nhân hư hỏng

+ Giá trị hàng hóa có thể thu hồi được từ thanh lý (nếu có)

+ Bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị hư hỏng. Bảng kê này phải có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm.

– Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).

– Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).

Tất cả hồ sơ, biên bản được lập trong quá trình xử lý trên được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế nếu cơ quan thuế yêu cầu. Nếu hồ sơ được kiểm tra là đầy đủ thì chi phí đối với số hàng hóa quá hạn sử dụng, bị hư hỏng này được xác định là chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.

Ngoài chuẩn bị bộ hồ sơ như trên thì doanh nghiệp phải lập hội đồng xử lý tài sản để thẩm định tài sản bị hủy bỏ. Căn cứ vào Biên bản của hội đồng xử lý, chủ doanh nghiệp sẽ quyết định hủy bỏ hàng hóa nói trên.

Trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho

See the source image

Khi tiêu hủy hàng hóa quá hạn sử dụng, hư hỏng, kế toán cần thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Kế toán hạch toán như sau:

Nợ TK 632: Giá vốn hàng bán

Có TK 229: Dự phòng tổn thất tài sản (2294)

Xử lý khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với hàng hóa bị hủy do hết hạn sử dung: giá trị tổn thất thực tế của hàng hóa bị hủy sau khi bù đắp bằng nguồn dự phòng giảm giá hàng tồn kho, phần chênh lệch thiếu được hạch toán vào giá vốn hàng bán của doanh nghiệp. Kế toán hạch toán như sau:

Nợ TK 229: Dự phòng tổn thất tài sản( số được bù đắp bằng dự phòng)

Nợ TK 632: Giá vốn hàng bán (nếu số tổn thất cao hơn số đã lập dự phòng)

Có TK 152, 163, 155, 156

DN khi thực hiện hủy hoặc thanh lý hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng hóa bị hư hỏng cần phải lập và lưu trữ đầy đủ biên bản và hồ sơ liên quan. Điều này nhằm phòng khi bị cơ quan thuế kiểm tra. Hy vọng bài viết đã giúp ích cho bạn khi doanh nghiệp rơi vào trường hợp này. Chúc các bạn thành công.

Xem thêm:

Ai không được làm kế toán trưởng?

5 Group Facebook hữu ích dân kế toán nên vào ngay

Top 5 phần mềm kế toán tốt nhất hiện nay

Tải về miễn phí Thông tư 133/2016/TT-BTC – Hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa