Từ ngày 1/1/2020, mức lương tối thiểu vùng tăng kéo theo mức đóng BHXH năm 2020 của người lao động cũng thay đổi. Cụ thể nó thay đổi như thế nào? Hãy cùng Ketoan.vn tìm hiểu tại bài viết dưới đây.
Mức đóng BHXH tối thiểu năm 2020
Căn cứ vào Khoản 2.6 và Khoản 3 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH:
– Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
– Người làm công việc phải đòi hỏi qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
– Người làm công việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
– Người làm công việc trong điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
– Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bằng 20 tháng lương cơ sở.
Mức tiền lương đóng BHXH cụ thể
Căn cứ vào Quyết định 595/QĐ-BHXH: Tỷ lệ BHXH trích vào lương của người lao động là 8%.
Như vậy mức tiền lương đóng BHXH được quy định cụ thể như sau (đvt: đồng/tháng):
Vùng | Người làm việc trong điều kiện bình thường | Người đã qua học nghề, đào tạo nghề |
Vùng I | 4.420.000 | 4.729.400 |
Vùng II | 3.920.000 | 4.194.400 |
Vùng III | 3.430.000 | 3.670.100 |
Vùng IV | 3.070.000 | 3.284.900 |
Với người có mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao hơn 20 tháng lương cơ sở:
– Từ 01/01/2020: Mức lương tháng đóng BHXH tối đa = 20 x 1,49 = 29,8 triệu đồng/tháng.
– Từ 01/7/2020: Mức lương tháng đóng BHXH tối đa = 20 x 1,6 = 32 triệu đồng/tháng.
Doanh nghiệp phải làm gì?
Như vậy, mức đóng BHXH năm 2020 đã tăng so với năm 2019. Lúc này, doanh nghiệp và người lao động phải làm 1 bộ hồ sơ báo tăng mức đóng với cơ quan bảo hiểm xã hội. Hồ sơ gồm (quy định tại Quyết định 595/QĐ-BHXH):
Đối với Người lao động:
– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH (Mẫu TK1-TS) đối với người tham gia chưa được cấp mã số BHXH.
– Hợp đồng lao động có thời hạn ở nước ngoài hoặc HĐLĐ được gia hạn kèm theo văn bản gia hạn HĐLĐ hoặc HĐLĐ được ký mới tại nước tiếp nhận lao động đối với người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đăng ký đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH.
Đối với đơn vị:
– Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH (Mẫu TK3-TS) đối với đơn vị tham gia lần đầu; đơn vị di chuyển từ địa bàn tỉnh, thành phố khác đến; đơn vị thay đổi thông tin tham gia BHXH, BHYT.
– Danh sách lao động tham gia BHXH (Mẫu D02-TS).
– Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
Chậm nhất đến ngày 28/02/2020, các đơn vị sử dụng lao động phải nộp hồ sơ điều chỉnh mức lương đóng BHXH cho người lao động theo lương tối thiểu vùng mới.
Sau khi nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm, chậm nhất là 3 ngày cơ quan BHXH sẽ điều chỉnh tăng mức đóng BHXH theo danh sách mà doanh nghiệp kê khai.
Trên đây là mức tiền lương đóng BHXH mới nhất năm 2020. Bạn đọc hãy lưu ý và thực hiện theo đúng quy định.
Xem thêm:
Hướng dẫn làm Bản cam kết thu nhập cá nhân để không bị khấu trừ 10% thuế TNCN
Top các phím tắt thông dụng nhất trong Word
Tải miễn phí Thông tư 200/2014/TT-BTC – Chế độ kế toán doanh nghiệp
Kế toán cần làm gì khi công ty mới thành lập?