Kinh nghiệm Kế toán cần làm gì khi công ty mới thành lập?

Kế toán cần làm gì khi công ty mới thành lập?

470

Công việc của kế toán phải làm đối với các doanh nghiệp mới thành lập là khá nhiều và mất tương đối thời gian. Ketoan.vn sẽ tổng hợp các công việc mà kế toán cần làm trong bài viết dưới đây.

See the source image
Kế toán phải làm gì khi công ty mới thành lập

1. Lập và nộp tờ khai thuế môn bài

Sau khi doanh nghiệp đã có giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp cần mở tài khoản ngân hàng, mua chữ kí số càng sớm càng tốt. Vì hiện nay hầu hết các cơ quan Thuế đều nhận tờ khai qua mạng và thu thuế điện tử.

Doanh nghiệp mới thành lập phải nộp tờ khai thuế Môn bài chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày có giấy phép đăng kí kinh doanh và thực hiện nộp thuế thông qua tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp hoặc nộp trực tiếp tại kho bạc nhà nước.

Mức thu thuế môn bài được quy định như sau:

– Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm.

– Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm.

– Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.

Theo đó, những doanh nghiệp thành lập trong 6 tháng đầu năm phải nộp thuế môn bài cho cả năm. Còn những doanh nghiệp thành lập trong 6 tháng cuối năm sẽ nộp 50% thuế môn bài cả năm.

2. Kê khai thuế GTGT, TNDN, TNCN

Trích Điều 15, Thông tư 151/2014-TT-BTC ngày 10/10/2014:

“Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh thì việc kê khai thuế được thực hiện theo Quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của năm dương lịch trước liền kề ( đủ 12 tháng) để thực hiện việc kê khai thuế theo quý hay tháng”.

Như vậy, đối với doanh nghiệp mới thành lập, kế toán cần kê khai thuế theo Quý.

Có 2 phương pháp kê khai thuế GTGT là phương pháp khấu trừ và trực tiếp. Thông tư 93/2017/TT-BTC quy định như sau:

– Nếu Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ: Gửi Tờ khai thuế GTGT mẫu số 01/GTGT, 02/GTGT đến Cơ quan thuế tại Kỳ tính thuế đầu tiên kể từ khi Công ty được thành lập.

– Nếu Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp: Gửi Tờ khai thuế GTGT mẫu số 04/GTGT đến Cơ quan thuế tại Kỳ tính thuế đầu tiên kể từ khi Công ty được thành lập.

Doanh nghiệp kê khai Thuế GTGT theo quý thì cũng kê khai thuế TNCN và TNDN theo quý. Đối với thuế TNCN, nếu doanh nghiệp không phát sinh thì không phải nộp tờ khai quý.

3. Lựa chọn loại hóa đơn

See the source image

Tùy thuộc vào phương pháp kê khai thuế mà kế toán sử dụng các loại hóa đơn khác nhau.

– Trường hợp DN kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ: Loại hóa đơn sử dụng là hóa đơn GTGT. Doanh nghiệp cần chú ý thông báo phát hành hóa đơn và Hóa đơn mẫu phải nộp trước ít nhất 02 (hai) ngày kể từ ngày doanh nghiệp bắt đầu sử dụng hóa đơn. Nếu không thông báo phát hành hóa đơn mà đã đưa vào sử dụng doanh nghiệp sẽ bị phạt theo quy định.

– Trường hợp DN kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp: loại hóa đơn sử dụng là hóa đơn bán hàng. Doanh nghiệp phải làm thủ tục mua hóa đơn bán hàng tại Cơ quan thuế. Đồng thời doanh nghiệp phải lập Báo cáo tình hình sử dụng Hóa đơn theo Quý. Thời hạn nộp chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu tiên Quý sau.

4. Tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động trong doanh nghiệp

Khi kí hợp đồng lao động có thời hạn trên 3 tháng, doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho nhân viên. Ngoài ra, doanh nghiệp phải làm thang bảng lương để nộp cho phòng Lao động Thương binh Xã hội.

5. Các công việc khác

– Lựa chọn chế độ kế toán và phương pháp khấu hao tài sản cố định.

– Lập Bảng định mức nguyên vật liệu cho tất cả các sản phẩm của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có tính chất sản xuất.

Trên đây là một số công việc cần thiết mà kế toán phải thực hiện khi công ty mới thành lập. Hi vọng bài viết đã mang lại cho các bạn kiến thức hữu ích để không còn bỡ ngỡ trong công việc.

Xem thêm

Top 5 phần mềm kế toán tốt nhất hiện nay

Ai không được làm kế toán trưởng?

Bí kíp học từ vựng tiếng Anh chuyên ngành kế toán hiệu quả