Làm sai công tác kế toán không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng công việc chung mà kế toán còn bị phạt rất nặng. Kế toán thường mắc sai sót ở các phần chữ ký, số liệu, thiếu ngày tháng trên hóa đơn, chứng từ,… Và còn hàng hoạt những lỗi “ngớ ngẩn” khác mà kế toán sẽ bị phạt. Hãy chú ý để tránh sai phạm lần sau nhé.
1. Vi phạm về tài liệu kế toán
1.1. Phạt từ 3 đến 5 triệu đồng
Đây là mức phạt dành cho kế toán với khi mắc phải những lỗi sau:
- Bản sao tài liệu kế toán không có đầy đủ chữ ký, con dấu của cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan (nếu có).
- Có hành vi tịch thu, niêm phong hoặc tạm giữ tài liệu kế toán nhưng không thuộc thẩm quyền của mình.
- Ngăn cản hoặc không hợp tác cung cấp tài liệu kế toán chơ cơ quan có thẩm quyền tịch thu, niêm phong hoặc tạm giữ.
- Không thành lập Hội đồng và không lập “Biên bản để xác định các tài liệu kế toán không thể sao chụp được” theo quy định.
- Thiếu hợp tác hoặc không cung cấp loại giấy tờ kế toán mà cơ quan kiểm tra cần.
1.2. Phạt từ 5 đến 10 triệu đồng
Mức phạt cao hơn này dành cho những vi phạm sau:
- Không lưu trữ đầy đủ tài liệu kế toán theo quy định.
- Làm hư hỏng, thiếu, mất, không đảm bảo an toàn bảo mật thông tin tài liệu kế toán trong quá trình lưu trữ.
- Sử dụng hồ sơ, giấy tờ kế toán vào những việc không thuộc phạm vi làm việc của mình, không đúng thủ tục, quy trình sử dụng.
- Làm mất mát, hư hỏng tài liệu kế toán quan trọng nhưng không tổ chức kiểm kê, bổ sung.
1.3. Phạt từ 10 đến 20 triệu đồng
Kế toán sẽ bị phạt nếu có hành vi sau:
- Có hành vi hủy bỏ tài liệu kế toán quan trọng khi chưa được sự cho phép của người đại diện cơ quan, chưa hết thời hạn quy định phải lưu trữ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Không thành lập Hội đồng tiêu hủy, không thực hiện đúng phương pháp tiêu hủy và không lập biên bản tiêu hủy theo quy định khi thực hiện tiêu hủy tài liệu kế toán.
2. Vi phạm về sổ kế toán
Hệ thống sổ kế toán là tài liệu quan trọng với doanh nghiệp, ghi chép lại toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh theo nội dung kinh tế và theo trình tự thời gian có liên quan đến doanh nghiệp. Nếu nghiệp vụ ghi chép, quản lý sổ kế toán không đúng quy định, kế toán sẽ bị xử phạt với các mức phạt sau.
2.1. Phạt từ 1 đến 2 triệu đồng
Kế toán sẽ phải chịu mức phạt này khi có hành vi vi phạm sau:
- Sổ kế toán không đúng với mẫu sổ được quy định.
- Theo từng kỳ riêng, kế toán không đóng sổ kế toán thành các sổ riêng để dễ theo dõi, không có đủ chữ kỹ và con dấu của các chức vụ được yêu cầu trên sổ sau khi in ra giấy (trừ những loại sổ không bắt buộc in ra theo quy định).
- Sổ kế toán ghi bằng bút chì, bút dễ phai màu (nói chung không phải là bút mực), ghi chen dòng, ghi không đúng phạm vị được quy định, ghi chồng chéo lên nhau; tẩy xóa, gạch không đúng quy định, không gạch chéo phần trang sổ không ghi; không tính cộng số liệu khi hết trang; không thực hiện việc chuyển số liệu tổng cộng trang sổ trước sang đầu trang sổ kế tiếp.
- Sổ kế toán không có tên đơn vị, không có tên sổ; không ghi ngày, tháng, năm; không có chữ ký, con dấu của đại diện pháp luật đơn vị kế toán, của kế toán trưởng, chữ ký của người lập sổ; không đánh số trang sổ; không có dấu giáp lai giữa các trang của sổ kế toán.
2.2. Phạt từ 3 đến 5 triệu
Kế toán bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng khi:
- Không ghi đầy đủ những nội dung chủ yếu theo quy định trên sổ kế toán (như ngày tháng năm lập sổ, khóa sổ, tên sổ, chữ ký,…)
- Ghi sai sổ kế toán nhưng sửa chữa sổ không đúng theo quy định, làm hỏng số liệu, nội dung trong sổ.
- Với loại sổ kế toán được quy định phải in ra giấy nhưng không thực hiện in sau khi đã khóa sổ trên máy tính, thiết bị điện tử.
2.3. Phạt từ 5 đến 10 triệu đồng
- Kế toán không thực hiện việc mở sổ kế toán vào đầu kỳ kế toán năm hoặc từ ngày thành lập đơn vị kế toán.
- Không có hồ sơ, chứng từ để chứng minh, đối chiếu với thông tin, số liệu trên sổ kế toán hoặc hồ sơ, chứng từ kế toán không khớp với sổ liệu trên sổ kế toán.
- Thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm thực hiện không kế tiếp thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán năm trước liền kề hoặc ghi chép một cách không liên tục từ khi mở sổ đến khi khóa sổ.
- Không thực hiện khóa sổ kế toán khi được cơ quan có thẩm định yêu cầu khóa.
2.4. Phạt từ 10 đến 20 triệu đồng
Mức phạt cao nhất này dành cho hành vi vi phạm sau đây:
- Kế toán có hành vi hủy bỏ sổ kế toán trước thời hạn lưu trữ hoặc cố tình làm hỏng, mất sổ kế toán.
- Để lộ ra bên ngoài sổ kế toán tài sản, nợ phải trả của doanh nghiệp hoặc có liên quan đến doanh nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên đây mới chỉ là mức phạt dành cho cá nhân, kế toán sẽ bị phạt nếu có hành vi vi phạm về quy định tài liệu kế toán và sổ kế toán. Còn với đơn vị, tổ chức thì mức phạt sẽ gấp đôi. Bạn có thể tìm hiểu đầy đủ hơn tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP.
Xem thêm:
Những sai sót thường gặp khi doanh nghiệp thực hiện báo cáo tài chính
6 bước để phân tích báo cáo tài chính đúng chuẩn
Những điều được và mất khi bạn theo ngành kế toán