Để theo dõi được tình hình kinh doanh cũng như xu hướng hoạt động của doanh nghiệp, các nhà quản lý phải dựa vào những chỉ số tài chính kế toán, từ đó mới có thể đưa ra những định hướng phát triển trong tương lai cho doanh nghiệp. Vì vậy, bài viết sau đây sẽ giới thiệu những chỉ số tài chính kế toán mà các nhà lãnh đạo luôn quan tâm hàng đầu.
I. Nhóm chỉ số thanh toán
1. Chỉ số thanh toán hiện hành
Chỉ số thanh toán hiện hành là một chỉ số thường gặp trong báo cáo tài chính, thể hiện khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp trong ngắn hạn. Thông thường, chỉ số thanh toán hiện hành tốt nên nằm trong khoảng từ 2-3. Nếu chỉ số càng thấp thì nghĩa là doanh nghiệp có nhiều nguy cơ gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nghĩa vụ của mình.
Tuy nhiên, chỉ số này quá cao cũng không phải là một tín hiệu đáng mừng. Bởi nó thể hiện rằng tài sản của doanh nghiệp bị ràng buộc quá chặt với tài sản lưu động. Như vậy thì việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp sẽ không có hiệu quả cao.
Công thức tính:
Chỉ số thanh toán hiện hành = Tài sản lưu động / Nợ ngắn hạn
2. Chỉ số thanh toán nhanh
Chỉ số thanh toán nhanh là chỉ số dùng để đo lường các tài sản có tính thanh khoản cao. Chỉ những tài sản này mới được doanh nghiệp thống kê để đưa vào tính toán. Vì vậy, những tài sản như hàng tồn kho hay các tài sản ngắn hạn khác sẽ không được tính vào vì chúng có tính thanh khoản thấp khi doanh nghiệp cần trả nợ.
Công thức tính:
Chỉ số thanh toán nhanh = (Tiền + Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn) / Nợ ngắn hạn
3. Chỉ số vòng quay các khoản phải thu
Chỉ số này phản ánh tính hiệu quả của chính sách tín dụng mà doanh nghiệp áp dụng đối với khách hàng. Nếu chỉ số vòng quay các khoản phải thu cao thì có nghĩa là doanh nghiệp đang thu hồi nợ một cách nhanh chóng và quản lý hiệu quả chính sách thu nợ. Nhờ đó tình trạng bị chiếm dụng vốn được hạn chế.
Tuy nhiên, nếu chỉ số này quá cao đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang quá thắt chặt chính sách thanh toán với khách hàng. Vì vậy khách hàng dễ chuyển sang sản phẩm của đối thủ cạnh tranh nếu không có sự điều chỉnh từ doanh nghiệp.
Ngược lại, nếu chỉ số này quá thấp thì có nghĩa là doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thu hồi các khoản nợ và đang bị chiếm dụng vốn. Việc này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấc kế hoạch thu – chi tiền, sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Công thức tính:
Vòng quay các khoản phải thu = Doanh số thuần hàng năm / Các khoản phải thu bình quân
Trong đó:
Các khoản phải thu bình quân = (Các khoản phải thu đầu năm + Các khoản phải thu cuối năm)/2
4. Chỉ số vòng quay các khoản phải trả
Chỉ số vòng quay các khoản phải trả phản ánh năng lực của doanh nghiệp tỏng việc sử dụng chính sách tín dụng của nhà cung cấp, khả năng tận dụng nguồn vốn của người bán. Nhưng nếu chỉ số này quá thấp thì nghĩa là doanh nghiệp thường xuyên chậm thanh toán, ảnh hưởng xấu đến uy tín của doanh nghiệp về lâu về dài.
Công thức tính:
Chỉ số vòng quay các khoản phải trả = Doanh số mua hàng thường niên / Phải trả bình quân
Trong đó:
Doanh số mua hàng thường niên = Giá vốn hàng bán + Hàng tồn kho cuối kỳ – Hàng tồn kho đầu kỳ
Phải trả bình quân = (Phải trả năm trước + Phải trả năm nay) / 2
II. Nhóm chỉ số tài chính hoạt động
1. EBIT
EBIT là viết tắt của từ Earnings Before Interest and Taxes, có nghĩa là Lợi nhuận trước lãi vay và thuế. Chỉ số EBIT phản ánh tình hình thu nhập, lợi nhuận của doanh nghiệp trước khi phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế hay các khoản nợ.
Đây là một chỉ số vô cùng có ích trong việc phân tích lợi nhuận của một doanh nghiệp vì nó tập trung cụ thể vào thu nhập mà doanh nghiệp tạo ra từ những hoạt động chủ yếu của mình.
Công thức tính:
EBIT = Lợi nhuận sau thuế + Thuế TNDN + Chi phí lãi vay = Lợi nhuận trước thuế + Chi phí lãi vay
2. Lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA)
ROA là viết tắt của từ Return ON Asset, hay còn gọi là lợi nhuận trên tổng tài sản. Đây là chỉ số đo lường mức độ hiệu quả của việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp mà không quan tâm đến cấu trúc tài chính. Chỉ số này giúp các nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn về hoạt động sử dụng tài sản của một doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp đó.
Công thức tính:
ROA = (Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản) x 100%
3. Tỷ lệ thu nhập trên vốn sử dụng (ROCE)
Viết tắt của từ Return On Capital Employed, tỷ lệ thu nhập trên vốn sử dụng. Đây là một tỷ lệ tài chính đo lường khả năng sinh lời của công ty và hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Hiểu theo một cách khác thì tỷ lệ này đo lường mức độ doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận từ nguồn vốn của mình. Nó được coi là một trong những chỉ số quan trọng nhất. Nó cũng thường được các nhà đầu tư chú ý đến khi xét duyệt danh sách các doanh nghiệp phù hợp để đầu tư.
Công thức tính:
ROCE = EBIT / Vốn sử dụng
4. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)
ROE (Return On Equity) hay còn gọi là lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Đây là một chỉ số được dùng để đo lường mức độ hiệu quả của việc sử dụng vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp. Chỉ số này phản ánh cả chỉ tiêu về lợi nhuận, được thể hiện trên báo cáo kết quả kinh doanh và chỉ tiêu vốn chủ sở hữu bình quân trên bảng cân đối kế toán.
Công thức tính:
ROE = (Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu bình quân) x 100%
5. Tỷ suất sinh lợi trên tổng vốn (ROTC)
Return on Total Capital, viết tắt là ROTC, nghĩa là tỷ suất sinh lợi trên tổng vốn. Đây là chỉ số thể hiện tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư của doanh nghiệp, cho thấy doanh nghiệp đã thu lại được bao nhiêu từ các hoạt động sử dụng vốn. Nó được dùng để đo lường tổng khả năng sinh lợi trong hoạt động của doanh nghiệp từ tất cả các nguồn tài trợ.
Công thức tính:
ROTC = (Thu nhập ròng + Chi phí lãi vay) / Tổng vốn trung bình
Trên đây là những chỉ số tài chính kế toán thường được các giám đốc quan tâm nhiều nhất. Bởi chúng phản ánh được những số liệu quan trọng liên quan đến việc sử dụng vốn, khả năng sinh lời cũng như hiệu quả quản lý vốn của doanh nghiệp.
Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin có ích cho bạn đọc. Chúc các bạn thành công!
Xem thêm:
Những sai sót thường gặp khi doanh nghiệp thực hiện báo cáo tài chính
17 bước kiểm tra số dư trên báo cáo tài chính trong doanh nghiệp
Cuối năm 2019, doanh nghiệp phải nộp 7 loại báo cáo này