Bạn là sinh viên chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán, tuy nhiên lại chưa có định hướng rõ ràng về công việc trong tương lai. Bạn luôn băn khoăn sau khi tốt nghiệp thì sẽ bắt đầu làm công việc gì để bắt đầu con đường nghề nghiệp của mình. Để có thể có nhiều thông tin hơn cho bạn lựa chọn công việc, bài viết này, Ketoan.vn sẽ giới thiệu một số thông tin so sánh giữa các chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán – Thuế tại Việt Nam để giúp bạn có sự lựa chọn phù hợp nhất nhé!
1. Công việc kế toán
Là sinh viên chuyên ngành kế toán, chắc bạn cũng đã nắm được công việc cụ thể của kế toán rồi phải không? Kế toán là việc ghi chép, thu thập, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động tài chính của một tổ chức, một doanh nghiệp, một cơ quan Nhà nước hoặc một doanh nghiệp kinh doanh tư nhân…
Công việc kế toán gồm hai loại chính: Kế toán công và Kế toán doanh nghiệp. Kế toán công là công việc dành cho các kế toán làm việc tại các cơ quan nhà nước. Còn nếu chọn Kế toán doanh nghiệp bạn sẽ thực hiện công việc kế toán tại các doanh nghiệp.
Về con đường thăng tiến của ngành Kế toán, khi đã có nhiều kinh nghiệm làm việc kế toán, bạn có thể phát triển nghề nghiệp lên các vị trí cấp cao hơn như: phân tích số liệu tài chính trong doanh nghiệp giúp ban quản lý của doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định, hoặc vị trí kế toán trưởng, quản lý quỹ, giám đốc tài chính hoặc quản lý vận hành tài chính…
2. Công việc kiểm toán
Kiểm toán là công việc nghiên cứu và kiểm tra việc ghi chép các số liệu của kế toán nhằm khẳng định việc hạch toán của doanh nghiệp phản ánh đúng đắn tình hình tài chính thực tế của doanh nghiệp, không che giấu sự gian lận và được trình bày theo đúng quy định của pháp luật.
Nếu lựa chọn theo đuổi công việc Kiểm toán, bạn có thể cân nhắc một số vị trí phổ biến trong ngành Kiểm toán hiện tại, như:
- Kiểm toán độc lập tại các công ty cung cấp dịch vụ Kiểm toán tư vấn như Big 4 hoặc Non – Big. Với sinh viên mới tốt nghiệp, bạn có thể bắt đầu với vị trí Trợ lý kiểm toán, hoặc Thực tập sinh Kiểm toán. Sức hút của các công ty Kiểm toán lớn như Big 4 là không hề nhỏ khi hàng năm thu hút hàng ngàn sinh viên mới tốt nghiệp cạnh tranh để có suất thực tập hoặc trở thành nhân viên chính thức.
- Kiểm toán nội bộ: Thực hiện công việc kiểm toán trong nội bộ các doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp càng có quy mô lớn càng cần sự minh bạch trong từng khâu, từng quy trình. Vì thế, vị trí kiểm toán nội bộ cũng là một sự lựa chọn cho các bạn sinh viên muốn theo đuổi ngành Kiểm toán.
- Kiểm soát nội bộ: làm công việc kiểm toán tại các ngân hàng, Kiểm toán nhà nước…
Đối với cơ hội thăng tiến của ngành Kiểm toán, bạn có thể hướng đến các vị trí cấp cao tương tự như ngành Kế toán, ngoài ra có thể cân nhắc một số vị trí như Trưởng nhóm Kiểm toán, Kiểm toán nội bộ…
3. Công việc Thuế
Thuế là những khoản được coi là trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, các thành phần trong nền kinh tế phải hoàn thành vào Ngân sách nhà nước.
Theo đuổi ngành Thuế, bạn có thể quan tâm đến công việc Tư vấn Thuế. Người làm tư vấn thuế sẽ có hai trách nhiệm chính:
- Lập kế hoạch, đưa ra lời khuyên và chiến lược liên quan đến thuế cho doanh nghiệp
- Tính toán trách nhiệm thuế và hoàn thành tờ khai thuế cho khách hàng.
4. Yêu cầu về chuyên môn và kỹ năng cần thiết cho công việc
Trong thời đại hội nhập quốc tế như hiện nay, các công ty và doanh nghiệp luôn có những tiêu chuẩn chung đặt ra về chuyên môn cũng như kỹ năng cho ứng viên để đảm bảo chất lượng công việc. Để nhận được sự đánh giá cao khi ứng tuyển các vị trí liên quan đến ngành Kế toán – Kiểm toán – Thuế, các bạn sinh viên nên tham khảo các chương trình đào tạo chuyên môn quốc tế như:
- ACCA – Kế toán công chứng Anh Quốc
- CPA Úc – Kiểm toán độc lập
- CPA Việt Nam – Kiểm toán độc lập
- CFA – Phân tích đầu tư tài chính
- CIMA – Kế toán quản trị công chứng Anh Quốc
- CIA – Kiểm toán nội bộ công chứng Hoa Kỳ
- CMA – Kế toán quản trị Hoa Kỳ,Chứng chỉ kiểm toán thực hành do VACPA chứng nhận
- Chứng chỉ kiểm toán nội bộ do VACPA chứng nhận.
Bên cạnh đó, các bạn cần trau dồi các kỹ năng cần có như: Excel, Office, Phần mềm Kế toán, Phân tích dữ liệu…
Việc định hướng rõ ràng con đường nghề nghiệp cho bản thân từ trước sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian trong việc phân vân lựa chọn nghề nghiệp.
Xem thêm các bài viết tại
3 lỗi cơ bản kế toán mới ra trường thường hay mắc phải
Điều kiện cần để trở thành một kế toán giỏi là những gì?
Công việc nào là phù hợp với sinh viên kế toán mới ra trường?