Nghiệp Vụ old Những điều nhất định phải biết khi hạch toán chi phí sản...

Những điều nhất định phải biết khi hạch toán chi phí sản xuất chung

1735
Những điều kế toán nhất định phải biết về chi phí sản xuất chung

Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chi phí sản xuất chung đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh giá công suất hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Việc hiểu rõ các loại chi phí sẽ giúp người làm kế toán phân bổ và hạch toán một cách hợp lý và đúng đắn. Bài viết này, Ketoan.vn sẽ giúp bạn nắm rõ những kiến thức về hạch toán chi phí sản xuất chung để giúp bạn hạch toán dễ dàng hơn.

Những điều kế toán nhất định phải biết về chi phí sản xuất chung

1. Chi phí sản xuất chung là gì? Kết cấu tài khoản chi phí sản xuất chung

1.1. Chi phí sản xuất chung là gì?

Trong doanh nghiệp có nhiều loại chi phí khác nhau, trong đó, chi phí ảnh hưởng đến việc tính giá thành sản phẩm đó chính là chi phí sản xuất chung.

Chi phí sản xuất chung được định nghĩa là toàn bộ những khoản chi phí cần thiết để phục vụ cho quá trình sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp, phát sinh ở các phân xưởng hay bộ phận sản xuất.

1.2. Kết cấu tài khoản 627 – Chi phí sản xuất chung

Để hạch toán chi phí sản xuất chung, kế toán sử dụng tài khoản 627 – Chi phí sản xuất chung. Cũng giống như những tài khoản khác trong hệ thống tài khoản, kết cấu của tài khoản này cũng bao gồm hai bên:

Bên Nợ:

Tập hợp toàn bộ các chi phí sản xuất chung phát sinh trong kỳ kế toán

Bên Có:

  • Các khoản giảm trừ chi phí sản xuất chung (nếu có)
  • Chi phí sản xuất chung được phân bổ, kết chuyển và chi phí chế biến cho các đối tượng chịu chi phí
  • Chi phí sản xuất chung không được phân bổ, kết chuyển vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ.

Tài khoản 627 – Chi phí sản xuất chung không có số dư cuối kỳ.

Nắm vững các nội dung của chi phí sản xuất chung sẽ giúp kế toán của doanh nghiệp sản xuất hạch toán và đánh giá, phân bổ chi phí một cách hợp lý, đánh giá đúng hiệu quả quản lý của doanh nghiệp.

2. Chi phí sản xuất chung bao gồm những chi phí nào?

Để hạch toán chi phí sản xuất chung một cách dễ dàng, người ta phân loại chi phí sản xuất chung thành các chi phí sau đây:

  • Chi phí nhân viên phân xưởng: là khoản chi phí liên quan phải trả cho nhân viên phân xưởng. Chi phí này bao gồm các khoản: tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp lương, trích các khoản bảo hiểm cho nhân viên phân xưởng. Các nhân viên phân xưởng bao gồm: quản đốc phân xưởng, nhân viên kinh tế, thống kê, thủ kho phân xưởng, nhân viên tiếp liệu, vận chuyển nội bộ…
  • Chi phí vật liệu: là khoản chi phí phản ánh các loại chi phí về vật liệu dùng chung cho phân xưởng như dụng cụ sửa chữa, bảo dưỡng TSCĐ thuộc phân xưởng, quản lý, sử dụng các vật liệu dùng cho nhu cầu văn phòng phân xưởng….
  • Chi phí công cụ sản xuất: các khoản chi phí có liên quan đến công cụ dụng cụ sản xuất dùng cho phân xưởng sản xuất, ví dụ: đúc khuôn mẫu, gá lắp, dụng cụ cầm tay…
  • Chi phí khấu hao tài sản cố định: khoản chi phí này bao gồm khấu hao của tất cả các tài sản cố định sử dụng trong phân xưởng sản xuất như máy móc thiết bị, nhà xưởng, phương tiện vận tải…
  • Chi phí dịch vụ mua ngoài: các khoản chi phí mua ngoài để phục vụ cho các hoạt động của phân xưởng như chi phí điện nước, chi phí điện thoại, chi phí sửa chữa TSCĐ có giá trị nhỏ…
  • Các chi phí bằng tiền khác: các khoản chi phí khác phục vụ cho hoạt động của phân xưởng trả bằng tiền mặt ngoài các khoản chi phí trên, ví dụ: chi phí tiếp khách, hội thảo, hội nghị… ở phân xưởng.

Chi phí sản xuất chung sẽ được tập hợp theo từng phân xưởng, đội sản xuất, quản lý theo từng yếu tố chi phí.

Chi phí sản xuất chung chính là căn cứ để đánh giá hoạt động của phân xưởng, là thước đo hiệu quả của quản lý doanh nghiệp.

Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức cần phải biết về chi phí sản xuất chung.

Xem thêm các bài viết tại

Cách hạch toán tài khoản 641 – Chi phí bán hàng

Cách hạch toán tài khoản 623 – chi phí sử dụng máy thi công theo Thông tư mới nhất

Các phương pháp tập hợp chi phí sản xuất trong doanh nghiệp