Kinh nghiệm Hướng dẫn hạch toán tiền phạt, tiền thu bồi thường

Hướng dẫn hạch toán tiền phạt, tiền thu bồi thường

6829
hạch toán tiền phạt, bồi thường hợp đồng

Trong kinh doanh, đôi khi sẽ xảy ra những trường hợp như vi phạm hợp đồng, không thực hiện đúng thỏa thuận… nên phải bồi thường hợp đồng, nộp phạt. Khi đó, bên bồi thường và bên nhận bồi thường sẽ ghi nhận khoản tiền phạt thế nào? Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách hạch toán tiền phạt, tiền thu bồi thường.

1. Tiền phạt, tiền thu bồi thường có phải xuất hóa đơn không?

Để có được câu trả lời, chúng ta xem xét quy định tại Khoản 1, Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC về các trường hợp không phải kê khai, tính thuế GTGT:

“Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.

Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định…”

phạt vi phạm hơp đồng

=> Kết luận rằng, bên bồi thường và bên nhận bồi thường không cần lập hóa đơn đối với khoản tiền phạt, tiền thu bồi thường, chỉ cần có chứng từ thu tiền, chi tiền theo quy định. Trừ khoản bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ thì bên bồi thường cần xuất hóa đơn và bên nhận bồi thường vẫn kê khai, khấu trừ thuế bình thường.

Các loại tiền phạt, tiền thu bồi thường chủ yếu có thể kế đến như: Thu tiền được phạt do khách hàng vi phạm hợp đồng; Thu tiền bồi thường của bên thứ ba để bù đắp cho tài sản bị tổn thất (ví dụ thu tiền bảo hiểm được bồi thường, tiền đền bù di dời cơ sở kinh doanh và các khoản có tính chất tương tự),…

2. Nguyên tắc khi hạch toán tiền phạt, tiền thu bồi thường

Đối với từng trường hợp phạt, bồi thường cụ thể, kế toán cần xem xét rõ bản chất khoản tiền vi phạm hợp đồng để kế toán hạch toán cho đúng theo nguyên tắc:

– Đối với bên mua:

+ Các khoản tiền phạt, bồi thường về bản chất là khoản giảm giá hàng mua, làm giảm khoản thanh toán cho người bán được hạch toán giảm giá trị tài sản hoặc khoản thanh toán (không hạch toán vào thu nhập khác) trừ khi tài sản có liên quan đã được thanh lý, nhượng bán.

+ Các khoản tiền phạt khác coi là thu nhập khác trong kỳ phát sinh.

– Đối với bên bán: Các khoản tiền phạt, bồi thường vi phạm hợp đồng nhận được từ bên mua nằm ngoài giá trị hợp đồng được ghi nhận là thu nhập khác (TK 711).

3. Hạch toán tiền phạt, tiền thu bồi thường

hạch toán tiền phạt, bồi thường

Như đã nói ở trên, khi hạch toán các khoản thu bồi thường cần xem xét bản chất từng trường hợp cụ thể, có thể được ghi giảm vào giá trị tài sản hoặc ghi nhận vào thu nhập khác.

– Phản ánh các khoản thu tiền phạt

+ Trường hợp các khoản tiền phạt được ghi giảm giá trị tài sản, kế toán ghi:

Nợ các TK liên quan

Có các TK 151, 153, 154, 156, 241, 211…

+ Trường hợp các khoản tiền phạt được ghi nhận vào thu nhập khác, kế toán ghi nhận bút toán sau:

Nợ các TK liên quan

Có TK 711 – thu nhập khác.

– Phản ánh các khoản được bên thứ ba bồi thường (như tiền bảo hiểm được bồi thường, tiền đền bù di dời cơ sở kinh doanh…), ghi:

Nợ các TK 111, 112,…

Có TK 711 – Thu nhập khác.

+ Các khoản chi phí liên quan đến xử lý các thiệt hại đối với những trường hợp đã mua bảo hiểm, ghi:

Nợ TK 811 – Chi phí khác

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có các TK 111, 112, 152,…

Nếu bạn còn gặp khó khăn nào khi hạch toán tiền phạt, tiền thu bồi thường thì hãy xem lại thật kĩ bài viết hoặc để lại lời nhắn phía dưới. Chúng tôi hy vọng có thể giúp bạn phần nào hoàn thành tốt công việc. Chúc bạn thành công!

Xem thêm:

Hướng dẫn thủ tục thanh lý nhượng bán tài sản cố định

Quy định về các khoản chi phí được tính vào chi phúc lợi cho nhân viên

Bí quyết hạch toán và xử lý khoản nợ phải thu khó đòi