Giao dịch liên kết là những giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết với nhau như: mua, bán, cho vay, trao đổi, đi thuê. Vậy, cần phải lưu ý những điểm gì khi có kiểm tra, thanh tra về thuế đối với những giao dịch liên kết, Ketoan.vn sẽ cung cấp đến bạn thông qua bài viết dưới đây.
1. Giao dịch liên kết là gì?
Theo định nghĩa tại khoản 3, Điều 4, Nghị định 20/2017/NĐ-CP thì Giao dịch liên kết là giao dịch được phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: “…mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết.”
Theo Thông tư 66/2010/TT-BTC giao dịch liên kết được hiểu là giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết với nhau.
2. Các bên có quan hệ liên kết
Các bên có quan hệ liên kết được hiểu là các bên mà có quan hệ với nhau với các hình thức như vay vốn, kiểm soát, chi phối, quan hệ họ hàng… khiến cho các giao dịch phát sinh giữa các doanh nghiệp này có thể bị tác động bởi các yếu tố khác, không tuân theo quy luật thị trường.
Các bên có quan hệ liên kết bao gồm:
- Một bên trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên còn lại.
- Các bên trực tiếp hoặc gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
3. Nguyên tắc áp dụng trong giao dịch liên kết
- Người nộp thuế có giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai các giao dịch, loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để xác định nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên kết tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện.
- Cơ quan thuế phải thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giá trị của giao dịch liên kết theo nguyên tắc giao dịch độc lập và bản chất quyết định hình thức để không công nhận các giao dịch liên kết làm giảm nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước và thực hiện điều chỉnh giá giao dịch liên kết để xác định đúng nghĩa vụ thuế theo quy định tại Nghị định 20.
- Nguyên tắc giao dịch độc lập được áp dụng theo nguyên tắc giao dịch giữa các bên có quan hệ độc lập, không tồn tại quan hệ liên kết.
4. Lưu ý khi thanh tra, kiểm tra về thuế đối với giao dịch liên kết
4.1. Trách nhiệm kê khai theo Tờ khai quyết toán thuế
Nếu doanh nghiệp có giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai theo mẫu quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP và nộp kèm theo Tờ khai quyết toán thuế TNDN số 03/TNDN, bao gồm:
- Mẫu số 01 – Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết
- Mẫu số 02 – Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại Hồ sơ quốc gia và mẫu 03 – Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại Hồ sơ toàn cầu
- Mẫu số 04 – Kê khai thông tin Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ mười tám nghìn tỷ đồng trở lên có hoạt động tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
Doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm lập hồ sơ, xác định giá trị của giao dịch liên kết và giải trình chi tiết việc lập, cơ sở lập khi kết thúc kỳ báo cáo tài chính năm.
4.2. Các trường hợp được miễn kê khai, lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.
Doanh nghiệp được miễn kê khai giao dịch liên kết trong trường hợp chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế TNDN tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất. Tức là không bên nào được hưởng ưu đãi thuế TNDN trong kỳ tính thuế.
Doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết nhưng được miễn Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong trường hợp: Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị các giao dịch liên kết dưới 30 tỷ đồng trong kỳ tính thuế.
Người nộp thuế đã ký kết thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá thực hiện nộp Báo cáo thường niên theo quy định.
Người nộp thuế thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản cố định vô hình, có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần trước lãi vay và thuế TNDN trên doanh thu. Các lĩnh vực và áp dụng như sau:
- Phân phối: từ 5% trở lên
- Sản xuất: từ 10% trở lên
- Gia công: từ 15% trở lên
Nếu doanh nghiệp không áp dụng theo mức tỷ suất lợi nhuận thuần nêu trên thì phải lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.
Xem thêm bài viết tại
Chỉ 16 giao dịch dùng ngoại hối doanh nghiệp cần phải biết
Cách hạch toán tài khoản 222 – Đầu tư vào công ty liên doanh liên kết
20 thay đổi về giao dịch thuế điện tử doanh nghiệp, cá nhân cần biết từ hôm nay