Kinh nghiệm Phân biệt các thuật ngữ trong lĩnh vực thuế dễ nhầm lẫn

Phân biệt các thuật ngữ trong lĩnh vực thuế dễ nhầm lẫn

4773
thuật ngữ trong thuế

Mỗi ngành nghề đều có những từ ngữ chuyên ngành mà người ngoài ngành khó hiểu được. Thậm chí những người trong ngành đôi khi cũng không hiểu hết, nhầm lẫn, sử dụng sai do cách đọc hay ý nghĩa của nó na ná giống nhau. Đối với lĩnh vực kế toán, thuế cũng vậy, có những thuật ngữ dễ gây nhầm lẫn, gây khó khăn cho người sử dụng. Bài viết dưới đây xin hệ thống lại và phân biệt một số thuật ngữ trong lĩnh vực thuế dễ gây hiểu lầm nhất.

1. Thuế trực thu – thuế gián thu

Thuế trực thu:

  • Thuế trực thu là loại thuế điều tiết trực tiếp vào thu nhập hoặc tài sản của người nộp thuế.
  • Đặc điểm: Người nộp thuế đồng thời cũng là người chịu thuế.
  • Ví dụ: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

Thuế gián thu:

  • Thuế gián thu là thuế điều tiết gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa, dịch vụ.
  • Đặc điểm: Người nộp thuế không phải là người chịu thuế. Người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ là người chịu thuế (giá mua hàng đã bao gồm thuế gián thu) còn người nộp thuế là nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
  • Ví dụ: Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt.

thuế trực thu-thuế gián thu

2. Người nộp thuế – người chịu thuế

Người nộp thuế:

  • Đặc điểm: Người nộp thuế là người mang thuế đến nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
  • Theo Điều 2 Luật Quản lý thuế 2006 quy định, người nộp thuế gồm:

         – Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp thuế, phí, lệ phí hoặc các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

         – Tổ chức được giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước;

         – Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế;

         – Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế; cá nhân làm thủ tục về thuế thay người nộp thuế…

Người chịu thuế:

  • Đặc điểm: Tổ chức, cá nhân thực tế phải nộp thuế cho Nhà nước khi có thu nhập chịu thuế hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ mà hàng hóa, dịch vụ đó là đối tượng chịu thuế.

         – Với thuế trực thu:

         + Là cá nhân có thu nhập chịu thuế

         + Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế

         – Với thuế gián thu: Là người mua, sử dụng hàng hóa.

Ví dụ: Đối với thuế giá trị gia tăng:

+ Người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh khác

+ Người chịu thuế là người mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

=> Trừ trường hợp khi đó là thuế trực thu: Người nộp thuế cũng chính là người chịu thuế. Đây có thể coi là điểm giống nhau giữa 2 thuật ngữ trong lĩnh vực thuế này.

3. Người chịu thuế – đối tượng chịu thuế

người chịu thuế-đối tượng chịu thuế

Người chịu thuế:

  • Tổ chức, cá nhân thực tế phải nộp thuế cho Nhà nước khi có thu nhập chịu thuế hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ mà hàng hóa, dịch vụ đó là đối tượng chịu thuế. (như đã trình bày phần trên)

Đối tượng chịu thuế:

  • Là hàng hóa, dịch vụ, thu nhập hoặc những lợi ích vật chất khác mà thuế tác động đến làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế.
  • Tùy thuộc vào từng loại thuế mà đối tượng chịu thuế là khác nhau:

         – Ví dụ:

         + Thuế giá trị gia tăng là hàng hóa, dịch vụ.

         + Thuế thu nhập cá nhân là thu nhập chịu thuế.

4. Hoàn thuế – khấu trừ thuế

Hoàn thuế:

  • Hoàn thuế là việc hoàn trả lại số tiền thuế đã nộp trong các trường hợp theo pháp luật quy định với từng loại thuế.
  • Ví dụ: Doanh nghiệp đã nộp thuế GTGT nhưng khi xuất khẩu thì sẽ được hoàn thuế khi đủ điều kiện về thời gian khấu trừ (vì thuế GTGT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa nhưng với điều kiện là tiêu thụ trên lãnh thổ Việt Nam).

Khấu trừ thuế:

  • Thuế khấu trừ tại nguồn chi trả (còn có cách gọi khác là thuế thu tại nguồn…) là một hình thức của các loại thuế thu nhập mà cơ quan thuế sẽ thu bằng cách khấu trừ ngay vào khoản tiền mà người trả thu nhập trả cho người nhận thu nhập.
  • Ví dụ: Trong thuế thu nhập cá nhân.

        – Người lao động ký hợp đồng lao động thời hạn dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng mà có thu nhập > 2 triệu đồng thì sẽ bị nơi trả thu nhập khấu trừ 10% thuế TNCN trước khi chi trả (trừ trường hợp làm đơn cam kết).

        – Cá nhân không cư trú thường là người nước ngoài khi trả thu nhập thì sẽ bị khấu trừ 20%.

5. Thuế tương đối – thuế tuyệt đối

thuế tương đối-thuế tuyệt đối

Thuế tương đối:

  • Thuế tương đối (hay còn gọi là thuế suất tương đối) là mức thuế được tính bằng một tỉ lệ % trên một đơn vị giá trị đối tượng chịu thuế.

Thuế tuyệt đối:

  • Thuế tuyệt đối hay còn gọi là định suất thuế là mức thuế được tính bằng số tuyệt đối theo một đơn vị vật lý của đối tượng chịu thuế.
  • Theo Khoản 4 Điều 3 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định phương pháp tính thuế tuyệt đối là việc ấn định số tiền thuế nhất định trên một đơn vị hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

6. Không chịu thuế – thuế suất 0%

Không chịu thuế:

  • Những sản phẩm hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế như sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác.
  • Vì không phải đối tượng chịu thuế nên doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không phải thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng với những sản phẩm hàng hóa này.

Thuế suất 0%:

  • Là một trong ba mức thuế suất của thuế giá trị gia tăng, áp dụng với:

        – Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

        – Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan

        – Vận tải quốc tế.

      – Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu (theo Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC).

  • Vẫn thuộc đối tượng chịu thuế nên doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khác phải kê khai thuế GTGT.

Trên đây là những kinh nghiệm được rút ra qua quá trình làm việc lâu dài, chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn. Hãy lưu ý khi sử dụng những thuật ngữ trong lĩnh vực thuế để tránh những rắc rối, sai phạm có thể xảy ra. Hy vọng thông tin này hữu ích cho bạn!

Phần mềm kế toán MISA SME.NET luôn cập nhật các quy định của Nhà nước về Biểu tính thuế TNCN, mức lương tối thiểu, các khoản giảm trừ, miễn thuế và tỷ lệ trích đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc, giúp Doanh nghiệp luôn tuân thủ các quy định của Nhà nước về tính và trả lương. Anh chị tìm hiểu thêm về phần mềm tại đây

Xem thêm:

Phân biệt hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử chuyển đổi ra giấy

Phân biệt các khái niệm hóa đơn chứng từ hợp pháp, hợp lệ, hợp lý

Thuế suất thông thường, thuế suất ưu đãi và thuế suất đặc biệt khác nhau thế nào?