Kinh nghiệm Cập nhật phương pháp tính giá thành sản phẩm phổ biến nhất...

Cập nhật phương pháp tính giá thành sản phẩm phổ biến nhất hiện nay

1641
tính giá thành sản phẩm

Xác định giá thành sản phẩm là một khâu quan trọng, phải chính xác, hợp lý thì doanh nghiệp mới không rơi vào tình trạng thua lỗ. Hiện nay có nhiều phương pháp tính giá thành sản phẩm mà doanh nghiệp áp dụng phù hợp cơ chế doanh nghiệp mình. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu những phương pháp phổ biến nhất để tính giá thành. Các bạn có thể tham khảo và lựa chọn cho phù hợp với doanh nghiệp mình.

1. Phân loại giá thành sản phẩm

Trước khi tiến hành tính giá thành, bạn cần hiểu giá thành sản phẩm là gì, có những loại giá thành nào.

Giá thành sản phẩm là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ các khoản hao phí về lao động sống và lao động vật hóa có liên quan đến khối lượng công tác, sản phẩm, dịch vụ đã hoàn thành trong kỳ.

Phân loại theo thời điểm tính và số liệu tính giá thành

phân loại giá thành

– Giá thành kế hoạch: được xây dựng vào thời điểm đầu kỳ kế toán dựa trên cơ sở chi phí sản xuất kế hoạch và sản lượng kế hoạch. Đây là căn cứ để đánh giá hiệu quả sử dụng chi phí của doanh nghiệp.

– Giá thành định mức: cũng được xây dựng vào thời điểm đầu kỳ kế toán dựa trên cơ sở chi phí các định mức chi phí sản xuất hiện hành và chỉ tính cho một đơn vị sản phẩm. Đây là thước đo để đánh giá kết quả sử dụng chi phí của doanh nghiệp cũng như các giải pháp mới được đưa vào để cải thiện tình hình sử dụng chi phí.

– Giá thành thực tế: chỉ được xác định khi quá trình sản xuất và chế tạo đã hoàn thành dựa trên cơ sở số liệu chi phí sản xuất thực tế đã phát sinh và tập hợp được trong kỳ và sản lượng sản phẩm thực tế đã sản xuất ra trong kỳ. Đây là chỉ tiêu kinh tế để xác định được chính xác kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Phân loại giá thành theo phạm vi chi phí

– Giá thành sản xuất: giá thành sản xuất được ghi sổ kế toán thành phẩm để tính lợi nhuận của hoạt động bán hàng. Giá thành sản xuất của sản phẩm bao gồm các chi phí nguyên vật liệu trực tiếp; chi phí nhân công trực tiếp; chi phí sản xuất chung tính cho sản phẩm đã hoàn thành.

– Giá thành tiêu thụ: bao gồm các chi phí từ khi bắt đầu đến khi sản phẩm đến được tay người tiêu dùng. Đó là chi phí sản xuất, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

2. Phương pháp tính giá thành sản phẩm

Phương pháp tính giá thành trực tiếp

Tổng giá thành sản xuất sản phẩm  =  Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang đầu kỳ  +  Chi phí sản xuất trong kỳ  –  Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ

Đối với những doanh nghiệp có loại hình sản xuất đơn giản, sản xuất số lượng mặt hàng ít, khối lượng lớn và chu kỳ sản xuất ngắn hạn. Đó có thể là những doanh nghiệp như: doanh nghiệp khai thác than, quặng, hải sản, các doanh nghiệp sản xuất động lực (điện, nước,…).

Hoặc phương pháp được áp dụng với doanh nghiệp tuy có quy trình sản xuất phứ tạp nhưng khối lượng lớn, ít loại sản phẩm. Đối tượng tính giá thành ở những phân xưởng riêng biệt.

phương pháp tính trực tiếp

Phương pháp loại trừ sản phẩm phụ

Tổng giá thành SP chính  =  Giá trị sản phẩm chính dở dang đầu kỳ  +  Tổng chi phí phát sinh trong kỳ  –  Giá trị sản phẩm phụ thu hồi ước tính  –  Giá trị sản phẩm chính dở dang cuối kỳ

Phương pháp tính giá thành sản phẩm này được áp dụng cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chính, bên cạnh đó còn thu được sản phẩm phụ có giá trị.

Sản phẩm phụ là những sản phẩm:

– Không thuộc danh mục sản xuất chính

– Sản xuất không hướng đến

– Tỷ trọng về khối lượng và giá trị sản phẩm phụ phải chiếm tỷ trọng nhỏ so với sản phẩm chính (< 10%)

Ví dụ như doanh nghiệp chế biến dầu thô, ngoài sản xuất xăng, dầu còn sản xuất được một phần chế phẩm cho nước hoa, nến,… Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất gỗ có thêm sản phẩm phụ như: mùn cưa, gỗ vụn nhỏ,… bán cho các nhà máy gạch hoặc nhà máy giấy.

Phương pháp hệ số

Giá thành đơn vị sản phẩm tiêu chuẩn  =  Tổng giá thành của tất cả các loại sản phẩm / Tổng số sản phẩm gốc

Số sản phẩm tiêu chuẩn  =  Số sản phẩm từng loại  x  Hệ số quy đổi từng loại

Tổng giá thành sản xuất sản phẩm  =  Số sản phẩm tiêu chuẩn  x  Giá thành đơn vị sản phẩm tiêu chuẩn

Phương pháp này được áp dụng với doanh nghiệp trong cùng một quá trình sản xuất cùng sử dụng một thứ nguyên liệu và một lượng lao động nhưng thu được đồng thời nhiều sản phẩm khác nhau:

– Doanh nghiệp sản xuất quần áo, giầy dép nhiều mẫu mã trên một dây chuyền.

– Doanh nghiệp chuyên đóng gói các loại bao bì sản phẩm.

– Doanh nghiệp chế biến hàng nông sản.

Phương pháp tỷ lệ (định mức)

phương pháp tỷ lệ

Tổng giá thành sản xuất sản phẩm  =  Số sản phẩm tiêu chuẩn  x  Giá thành đơn vị sản phẩm tiêu chuẩn

Giá thành thực tế = Giá thành kế hoạch x giá thành tỷ lệ

Phương pháp này thường được các doanh nghiệp sản xuất đa dạng các mặt hàng như: may mặc, dệt kim, đóng giầy, cơ khí chế tạo,… áp dụng. Áp dụng phương pháp này, doanh nghiệp có thể giảm bớt được khối lượng hạch toán.

Phương pháp theo đơn đặt hàng

Giá thành của từng đơn hàng được tính bằng tổng chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phi sản xuất chung phát sinh từ lúc bắt đầu cho tới lúc kết thúc đơn đặt hàng.

Phương pháp này thường được doanh nghiệp xây dựng, xây lắp các công trình hạ tầng riêng biệt áp dụng.

Ngoài ra còn có doanh nghiệp sản xuất các hàng thủ công, mỹ nghệ lớn và đặc biệt cho riêng từng dự án; doanh nghiệp xuất khẩu theo đơn hàng tiêu chuẩn của nước ngoài: giầy dép, quần áo thời trang, nông sản, thủy sản.

Phương pháp phân bước

Tính giá thành sản phẩm bằng cách tiến hành tập hợp chi phí trên từng công đoạn, tính giá trên các công đoạn trung gian, từ đó tính ra giá thành của thành phẩm cuối cùng của quy trình.

Doanh nghiệp có quy trình công nghệ sản xuất phức tạp theo kiểu chế biến liên tục thường áp dụng phương pháp này khi tính giá thành sản phẩm. Ngoài ra còn có doanh nghiệp chế biến đồ hộp, đồ gia dụng, quần áo thời trang,…

Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu xong các phương pháp tính giá thành sản phẩm phổ biến ở doanh nghiệp. Hãy cho chúng tôi nhận xét của bạn nếu thông tin này hữu ích với bạn nhé!

Xem thêm:

Có được trích khấu hao với tài sản cố định chưa sử dụng không?

Những điều cần biết khi tính hao mòn tài sản cố định

2 phương pháp hạch toán kế toán bán buôn hàng hóa qua kho