Hàng tồn kho Hạch toán hàng tồn kho Nắm vững các phương pháp tính giá trị hàng tồn kho theo...

Nắm vững các phương pháp tính giá trị hàng tồn kho theo Thông tư 133 và Thông tư 200

1505
các phương pháp tính giá trị hàng tồn kho

Là kế toán kho, để có thể thực hiện tốt công tác kế toán, bạn cần phải nắm vững các phương pháp tính giá trị hàng tồn kho, như: Phương pháp bình quân gia quyền, thực tế đích danh, nhập trước xuất trước… theo Thông tư 133 và Thông tư 200. Cùng tìm hiểu các phương pháp này qua bài viết dưới đây của Ketoan.vn nhé!

Nguyên tắc kế toán hàng tồn kho được quy định tại Điều 22 Thông tư 133/2016/TT-BTC và Điều 23 Thông tư 200/2014/TT-BTC.

các phương pháp tính giá trị hàng tồn kho

Hàng tồn kho là gì?

Hàng tồn kho trong doanh nghiệp là những tài sản được mua vào để sản xuất hoặc bán ra trong kỳ sản xuất kinh doanh thông thường.

Hàng tồn kho trong doanh nghiệp bao gồm:

  • Hàng mua đang đi đường – TK 151
  • Nguyên liệu, vật liệu – TK 152
  • Công cụ, dụng cụ – TK 153
  • Sản phẩm dở dang – TK 154
  • Thành phẩm – TK 155
  • Hàng hóa – TK 156
  • Hàng gửi bán – TK 157
  • Hàng hóa được lưu giữ tại kho bảo thuế của doanh nghiệp – TK 158

Lưu ý: Những sản phẩm, hàng hóa, vật tư, tài sản nhận giữ hộ, ký gửi, nhận ủy thác xuất nhập khẩu, nhận gia công,… không thuộc quyền sở hữu và kiểm soát của doanh nghiệp thì sẽ không được phản ánh là hàng tồn kho.

Các phương pháp xác định giá trị hàng tồn kho

Khi xác định giá trị hàng tồn kho trong kỳ, doanh nghiệp áp dụng theo một trong các phương pháp sau:

1. Phương pháp tính theo giá đích danh

Phương pháp tính theo giá trị đích danh dựa trên giá trị thực tế của từng lần nhập hóa đơn mua vào, từng thứ sản phẩm sản xuất ra. Phương pháp này được các doanh nghiệp có ít mặt hàng hoặc mặt hàng ổn định và dễ dàng nhận diện được chi tiết về giá nhập của từng lô hàng tồn kho.

2. Phương pháp bình quân gia quyền

Theo phương pháp này, giá trị của từng loại hàng tồn kho được tính theo giá trị trung bình của từng loại hàng tồn kho đầu kyd và giá trị từng loại hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất trong kỳ. Tùy theo điều kiện của mỗi doanh nghiệp mà giá trị trung bình có thể tính theo từng kỳ hoặc sau từng lô hàng nhập về.

3. Phương pháp nhập trước xuất trước (FIFO)

Phương pháp nhập trước, xuất trước áp dụng trên giả định giá trị hàng tồn kho được mua hoặc được sản xuất trước thì được bán trước và giá trị hàng tồn kho cuối kỳ còn lại là giá trị hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất gần thời điểm cuối kỳ.

Theo phương pháp này, giá trị hàng tồn kho khi xuất kho được tính theo giá trị của lô hàng nhập kho ở thời điểm đầu kỳ hoặc gần thời điểm đầu kỳ, giá trị hàng tồn kho cuối kỳ được tính theo giá của hàng nhập kho ở thời điểm cuối kỳ hoặc gần cuối kỳ.

Mỗi phương pháp trên đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Tùy theo nhu cầu quản lý, trình độ, năng lực nghiệp vụ và trang thiết bị phục vụ cho công tác tính toán, phương tiện xử lý thông tin của doanh nghiệp mà doanh nghiệp lựa chọn sử dụng các phương pháp cho phù hợp. Ngoài ra, việc lựa chọn phương pháp tính giá trị hàng tồn kho cũng phụ thuộc vào yêu cầu bảo quản, tính phức tạp về chủng loại, quy cách và sự biến động của vật tư, hàng hóa trong doanh nghiệp.

Các phương pháp kế toán hàng tồn kho

Theo quy định hiện hành, trong một doanh nghiệp (một đơn vị kế toán) chỉ được áp dụng một trong hai phương pháp kế toán hàng tồn kho:

  • Phương pháp kê khai thường xuyên
  • Phương pháp kiểm kê định kỳ

1. Phương pháp kê khai thường xuyên

Phương pháp kê khai thường xuyên là phương pháp theo dõi và phản ánh thường xuyên, liên tục có hệ thống tình hình nhập, xuất, tồn vật tư hàng hóa trên sổ sách kế toán.

Khi áp dụng phương pháp này, các tài khoản kế toán hàng tồn kho được dùng để phản ánh số hiện có, tình hình biến động tăng, giảm của vật tư, hàng hóa. Vì vậy, giá trị hàng tồn kho trên sổ sách có thể được xác định tại bất kỳ thời điểm nào trong kỳ kế toán.

Cuối kỳ kế toán, căn cứ theo số liệu kiểm kê thực tế hàng tồn kho, kế toán thực hiện so sánh, đối chiếu với số hàng hóa hiện có trên sổ sách. Theo nguyên tắc, hai thông số này phải khớp nhau. Nếu có chênh lệch phải tìm nguyên nhân và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.

Phương pháp kê khai thường xuyên thường được các doanh nghiệp sản xuất như xây lắp, công nghiệp… và các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thương mại có giá trị lớn như máy móc, thiết bị, hàng có kỹ thuật, chất lượng cao.

2. Phương pháp kiểm kê định kỳ

Phương pháp kiểm kê định kỳ là phương pháp hạch toán căn cứ vào kết quả kiểm kê thực tế để phản ánh giá trị hàng tồn kho cuối kỳ của vật tư, hàng hóa trên sổ kế toán tổng hợp. Từ đó, tính giá trị của hàng hóa, vật tư sản xuất trong kỳ theo công thức

Trị giá hàng xuất kho trong kỳ = Trị giá hàng tồn kho đầu kỳ + Tổng trị giá hàng nhập kho trong kỳ – Trị giá hàng tồn kho cuối kỳ.

Phương pháp kiểm kê định kỳ thường được áp dụng tại các doanh nghiệp có nhiều chủng loại hàng hóa, vật tư với quy cách, mẫu mã hàng hóa khác nhau, giá trị thấp, hàng hóa, vật tư xuất dùng hoặc xuất bán thường xuyên.

Phương pháp này có ưu điểm là nhanh, đơn giản, giảm nhẹ khối lượng công việc hạch toán, tuy nhiên, độ chính xác về trị giá vật tư, hàng hóa xuất dùng, xuất bán bị ảnh hưởng bởi công tác quản lý kho hàng, bến bãi.

Xem thêm các bài viết tại

Tuyệt chiêu xử lý hàng tồn kho âm trên sổ và âm trong kho

Nguyên tắc để kế toán ghi nhận hàng tồn kho đúng cách