Kinh nghiệm Vé cước phí đường bộ có được khấu trừ thuế GTGT không?

Vé cước phí đường bộ có được khấu trừ thuế GTGT không?

3811
Vé cước phí đường bộ

Với những bạn kế toán mới ra trường, việc gặp phải một số thắc mắc trong quá trình kế toán là không thể tránh khỏi. Một trong những thắc mắc đó là câu hỏi vé cước phí đường bộ có được khấu trừ thuế GTGT không và được hạch toán vào tài khoản nào? Trong bài viết này, Ketoan.vn sẽ giải đáp giúp bạn những thắc mắc trên.

Vé cước phí đường bộ

1. Vé cước đường bộ có phải là hóa đơn?

Theo khoản 2, điều 3 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định về các loại hóa đơn như sau:

“2. Các loại hóa đơn

c, Hóa đơn khác gồm: tem; vé; thẻ; phiếu thu tiền bảo hiểm…”

Căn cứ Điều 4 Thông tư 191/2010/TT-BTC về quản lý, sử dụng hóa đơn vận tải hành khách bằng xe ô tô quy định:

“Điều 4. Tiêu chí và cách ghi nội dung các tiêu chí trên hóa đơn vận tải hành khách

2.Đối với hóa đơn và tem, vé, thẻ

Hóa đơn vận tải hành khách là tem, vé, thẻ phải thể hiện các nội dung cơ bản sau:

2.1. Tên, số, ký hiệu, ký hiệu mẫu số, số, tên liên tem, vé, thẻ

a, Tên: Tùy theo đặc điểm kinh doanh, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có thể đặt tên cho hóa đơn vận tải hành khách bằng xe ô tô là Tem…, Vé…, Thẻ… hoặc tên khác cho phù hợp

b, Ký hiệu tem, vé, thẻ:

Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách được để trống trong các tiêu chí: số xe, số ghế; ngày, giờ khởi hành; ngày lập tem, vé, thẻ. Riêng nội dung tuyến đường và giá thanh toán, đơn vị có thể tạo sẵn hoặc để trống theo số lượng tem, vé, thẻ được tạo.”

Như vậy: Vé cước phí đường bộ là một hóa đơn. Và để được coi là một hóa đơn hợp lý, hợp lệ, hợp pháp, vé cước phí đường bộ phải đầy đủ các thông tin theo quy định tại Thông tư 191/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính.

2. Vé cước phí đường bộ có được khấu trừ thuế GTGT?

Theo khoản 3, Điều 4 thông tư 39/2014/TT-BTC quy định:

“Đối với tem, vé: Trên tem, vé có mệnh giá in sẵn không nhất thiết phải có chữ ký người bán, dấu của người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký của người mua.”

Theo khoản 12, Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về thuế GTGT:

  • Đối với hàng hóa, dịch vụ được sử dụng chứng từ thanh toán là giá đã có thuế GTGT như tem, cước phí vận tải, vé xổ số kiến thiết… thì giá chưa có thuế được xác định như sau:

Giá chưa có thuế GTGT = Giá thanh toán (tiền bán vé, bán tem…)/(1+ thuế suất của hàng hóa, dịch vụ) (%)

Theo Công văn 4351/TCT-CS ngày 12/12/2013 của Tổng cục thuế quy định: “vé cước phí đường bộ là hóa đơn đặc thù và là chứng từ để kê khai, khấu trừ thuế GTGT…”

Như vậy: Vé cước đường bộ được khấu trừ thuế GTGT

Cách hạch toán vé cước phí đường bộ

Nguyên tắc khi hạch toán vé cước phí đường bộ đó là: Tùy theo mục đích và từng bộ phận sử dụng, kế toán sẽ hạch toán vào chi phí tương ứng.

Ví dụ 1: Công ty TNHH ABC không kinh doanh dịch vụ vận tải có phát sinh chi phí cước phí đường bộ cho Nhân viên kinh doanh đi công tác tại Nam Định và Hạch toán theo Thông tư 133.

Vé cước phí đường bộ là: 100.000 đồng (đã bao gồm thuế GTGT)

Theo công thức tính giá chưa có thuế GTGT, ta tính được

  • Giá tính thuế = 100.000/(1+10%) = 90.909 (đồng)
  • Thuế GTGT = 9091 (đồng)

Cách hạch toán vé cước đường bộ (Chi phí công tác của Phòng kinh doanh)

Nợ TK 6412 – Chi phí bán hàng                                           90.909

Nợ TK 1331 – Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ                9091

Có TK 1111                                                                           100.000

Nếu số tiền thuế GTGT nhỏ, không đáng kể, bạn có thể hạch toán toàn bộ vào chi phí

Nợ TK 6412 – Chi phí bán hàng                                              100.000

Có TK 1111 – Tiền mặt                                                             100.000

Lưu ý: Để chi phí công tác đã hạch toán được coi là chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN, cần phải có đầy đủ các loại giấy tờ sau:

  • Quyết định cử đi công tác
  • Giấy đi đường
  • Hóa đơn chứng từ hợp lý, hợp lệ, hợp pháp

Ví dụ 2: Công ty TNHH ABC kinh doanh dịch vụ vận tải (công ty tính giá thành và xuất hóa đơn theo các chuyến hàng)

Công ty có hợp đồng vận chuyển một chuyến hàng từ Hà Nội về Hải Phòng, có phát sinh vé đường bộ là 100.000 đồng (đã bao gồm thuế GTGT)

Cách hạch toán vé cước đường bộ theo thông tư 133

Nợ TK 154 – Giá thành                                                            90.909

Nợ TK 1331 – Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ                    9091

Có TK 111 –  Tiền mặt                                                              100.000

Khi hoàn thành dịch vụ – Xuất hóa đơn, kế toán kết chuyển sang 632 để phản ánh doanh thu.

Hi vọng, bài viết đã giải đáp những thắc mắc của bạn về vé cước phí đường bộ.

Xem thêm bài viết tại:

Tìm hiểu quy định về chi phí vé máy bay đi công tác hợp lệ