Chi phí tiền lương là một trong những khoản chi phí chiếm tỷ trọng khá lớn đối với một doanh nghiệp. Kiểm tra chi phí lương của người lao động là công việc đòi hỏi kế toán phải có kinh nghiệm và trình độ nhất định vì lương là một trong những phần hành kế toán phức tạp nhất. Để thực hiện công việc kiểm tra được nhanh chóng, chính xác, hãy cùng tìm hiểu các mẹo kiểm tra chi phí tiền lương cùng Ketoan.vn qua bài viết dưới đây nhé.
Cách đối chiếu số liệu của tài khoản 334 trên Báo cáo tài chính
Kế toán phải đối chiếu số liệu tài khoản 334 ở sổ cái với bảng cân đối số phát sinh và bảng lương trong kỳ của doanh nghiệp.
- Số dư nợ đầu kỳ của tài khoản 334 trên sổ cái = Số dư nợ đầu kỳ tài khoản 334 trong bảng cân đối số phát sinh tài khoản.
- Tổng số phát sinh có của tài khoản 334 ở sổ cái = Số phát sinh Có tài khoản 334 ở bảng cân đối số phát sinh tài khoản = Tổng phát sinh thu nhập tính được trong bảng lương các kỳ (Lương tháng + Phụ cấp + tăng ca).
- Tổng số phát sinh nợ tài khoản 334 trên số cái = Tổng số đã thanh toán + các khoản giảm trừ (bảo hiểm, thuế thu nhập cá nhân) + tạm ứng.
- Tổng số dư có cuối kỳ của tài khoản 334 ở sổ cái = Tổng số dư có cuối kỳ của tài khoản 334 ở bảng cân đối phát sinh tài khoản.
- Kiểm tra các bút toán định khoản tiền lương khớp với sổ sách
Kiểm tra các chứng từ liên quan đến chi phí lương cho người lao động
Để chứng minh lương, thưởng doanh nghiệp chi trả cho người lao động, doanh nghiệp cần có các chứng từ sau:
- Hợp đồng lao động, căn cước công dân hoặc chứng minh thư photo của người lao động.
- Bảng chấm công cho người lao động hàng tháng.
- Bảng tính lương đi kèm bảng chấm công.
- Bảng thanh toán lương làm thêm giờ.
- Phiếu chi thanh toán lương, hoặc chứng từ ngân hàng (UNC) nếu doanh nghiệp thanh toán lương cho người lao động bằng tiền gửi ngân hàng.
- Phụ lục hợp đồng lao động hoặc quyết định tăng lương với các trường hợp được tăng lương.
- Lưu ý tất cả các chứng từ đều phải có ký tá đầy đủ
- Đăng ký mã số thuế cá nhân (danh sách nhân viên được đăng ký mã số thuế cá nhân)
- Nếu có hồ sơ của người lao động đầy đủ (giấy khai sinh, giấy khám sức khỏe, bằng cấp liên quan…) thì càng tốt.
- Quy chế tài chính của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể.
Về tờ khai:
- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân cuối năm
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân tháng quý nếu trong quý có phát sinh thuế thu nhập cá nhân
- Các chứng từ nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu có).
Những lưu ý về các khoản thanh toán khác cho người lao động
Kế toán cần lưu ý về các khoản thanh toán khác như sau:
- Với những lao động ký hợp đồng làm việc dưới 03 tháng và có lương từ 2.000.000 đồng/tháng trở lên (kể cả lao động thử việc) thì trước khi thanh toán lương, doanh nghiệp phải khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân
- Các trường hợp doanh nghiệp không phải khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân:
+ Mỗi lần chi trả cho người lao động dưới 2.000.000 đồng. (Nếu làm cả tháng thì phải tính theo thu nhập cả tháng).
+ Người lao động không có thu nhập ở nơi nào khác, đã có mã số thuế cá nhân và làm bản cam kết 02.
+ Lưu ý chỉ được ký tối đa 2 lần với một người lao động nếu mỗi lần làm việc dưới 3 tháng.
+ Trong năm nếu doanh nghiệp không có lao động nào phải nộp thuế thu nhập cá nhân do mức lương chưa đến mức phải nộp thì kế toán vẫn phải làm quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm cho họ.
- Nếu người lao động ký hợp đồng lao động dài hạn (từ 03 tháng trở lên) thì doanh nghiệp phải nộp bảo hiểm cho người lao động.
- Mức phụ cấp ăn trưa: Mức phụ cấp ăn trưa tối đa chi cho người lao động không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
- Phụ cấp trang phục cho người lao động bằng tiền: tối đa là 5.000.000 đồng/người/năm.
- Các khoản phúc lợi khác doanh nghiệp chi cho người lao động: hiếu, hỉ, sinh nhật… tối đa không quá 1 tháng lương thực hiện của người lao động trong năm.
Trên đây là những mẹo kiểm tra chi phí tiền lương trước khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp dành cho kế toán. Hi vọng rằng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn.
>> Tổng hợp một số chính sách tài chính – kế toán cần lưu ý từ ngày 15/8/2019