Từ ngày 15/8/2019, kế toán cần lưu ý các chính sách tài chính – kế toán dưới đây để áp dụng cho doanh nghiệp mình. Những chính sách này liên quan đến trợ cấp, phụ cấp, quy định, chính sách hỗ trợ… mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân và doanh nghiệp.
Tăng mức trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng
Áp dụng từ ngày 15/8/2019, Nghị định 58/2019/NĐ-CP về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, từ ngày 01/7/2019, tăng mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ 1.515.000 đồng lên 1.624.000 đồng.
Cụ thể, mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng đối với một số đối tượng được điều chỉnh so với quy định tại Nghị định 99/2018/NĐ-CP như sau:
- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 diện thoát ly được hưởng trợ cấp: 1.815.000 đồng/tháng (tăng 122.000 đồng/tháng); phụ cấp: 308.000 đồng/1 thâm niên.
- Trợ cấp với người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 diện không thoát ly: 3.081.000 đồng/tháng (tăng 207.000 đồng/tháng)
- Trợ cấp tiền tuất cho thân nhân của người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945 từ trần: 1.624.000 đồng (tăng 109.000 đồng/tháng);…
Chính sách này được đánh giá là giúp hỗ trợ người có công bớt khó khăn trong diễn biến của thị trường. Chính sách tăng trợ cấp, phụ cấp cho người có công tiệm cận với chính sách tăng mức lương cơ sở mới được áp dụng đầu tháng 7/2019.
Lãnh đạo bố trí người thân làm quản lý nhân sự cơ quan mình có thể bị cách chức
Nội dung nổi bật này được đề cập tại Nghị định 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.
Theo đó, cảnh cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Trường hợp đã bị cảnh cáo mà còn tiếp tục vi phạm, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sẽ bị áp dụng hình thức xử lý cách chức.
Nghị định 59/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/8/2019.
Nghị định này ra đời được kì vọng nhằm hạn chế tham nhũng trong lĩnh vực tài chính kế toán, giúp trong sạch bộ máy nhà nước và tư nhân.
Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn pháp luật không quá 3 triệu đồng/năm
Đây là nội dung mới tại Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực từ ngày 16/8/2019.
Theo đó, sau khi nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật, trường hợp được cơ quan có thẩm quyền đồng ý thì:
- Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí, nhưng không quá 03 triệu đồng/năm.
- Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 05 triệu đồng/năm.
- Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí, nhưng không quá 10 triệu đồng/năm…
Nghị định này cũng đề ra một số nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ trước.
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật.
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ trước được hỗ trợ trước.
Doanh nghiệp siêu nhỏ đã và đang được hưởng lợi nhiều từ Chính phủ trong việc giảm thủ tục hành chính, giảm thuế, tăng cường đầu tư, thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập hoặc hộ gia đình làm doanh nghiệp. Với những chính sách cởi mở, Bộ Tài chính nói riêng và Chính phủ nói riêng kì vọng vào số lượng doanh nghiệp tăng trưởng, nhằm đặt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020.
Trên đây là những chính sách quan trọng có sự thay đổi trong ngành kế toán – tài chính, Ketoan.vn mong rằng từ việc liệt kê chính sách trên sẽ giúp kế toán dễ dàng thực hiện công việc.
>>Update nhanh 5 chính sách mới cho kế toán có hiệu lực từ 8/2019