Năm 2018, chuyển đổi số ở Walmart bắt đầu diễn ra một cách mạnh mẽ ở tất cả các khâu cung ứng, bán hàng. Cho đến nay, công ty đã chuyển mình từ một đơn vị bán lẻ truyền thống sang công ty công nghệ đổi mới và sáng tạo lớn nhất thế giới.
Vậy đâu là bí quyết tạo nên thành công của Walmart? Các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi được những kinh nghiệm gì từ hành trình này?
I. Walmart – Công ty đầu tư vào công nghệ lớn thứ ba thế giới
Walmart là công ty lớn nhất thế giới với doanh thu 548.743 tỷ USD theo báo cáo Fortune Global 500 năm 2020. Đồng thời, nó cũng là công ty tư nhân lớn nhất thế giới khi có hơn 2.2 triệu nhân viên.
Công ty hoạt động chủ yếu tại Mỹ và sở hữu nhiều chi nhánh tại các thị trường sôi động như Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Đức, Nam Phi… Tính đến tháng 4 năm 2021, Walmart chính thức đạt mốc 10.526 cửa hàng ở 24 quốc gia, hoạt động dưới 48 tên gọi khác nhau.
Trong đó, quá trình chuyển đổi số ở Walmart thực tế đã diễn ra từ năm 2015 qua quyết định mua lại công ty thương mại điện tử Trung Quốc Yihaodian. Sau đó, Walmart tiếp tục thực hiện hàng loạt thương vụ thâu tóm thêm bên vận chuyển Parcel, Cornerstone hay Startup thương mại điện tử Jet.com, Flipkart… Tuy nhiên, các khoản đầu tư trên chưa mang lại lợi nhuận ngay lập tức. Công ty chỉ đang chuẩn bị cho một “cuộc chiến” lâu dài bằng cách tích hợp công nghệ, dữ liệu mới với cơ sở hạ tầng vốn có.
Đến năm 2018, Walmart quyết tâm chi tổng 11.7 tỷ USD vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Điều này đưa công ty trở thành nhà đầu tư chuyển đổi số lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Amazon và Alphabet.
Ngoài ra, Walmart tuyển dụng 1.700 nhân viên phụ trách công nghệ, mở 9 trung tâm công nghệ vào năm 2019. Đồng thời, họ bổ nhiệm cựu phó chủ tịch của Amazon và cựu giám đốc Google vào hai vị trí quan trọng là Giám đốc công nghệ và Giám đốc điều hành Marketing số.
II. Các yếu tố thúc đẩy quá trình số hóa nhanh chóng tại Walmart
Nguyên nhân thúc đẩy Walmart chuyển đổi số mạnh mẽ như vậy đến từ bối cảnh bán lẻ chung đã thay đổi. Mô hình cạnh tranh hướng đến chiến lược định giá thấp truyền thống không còn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại. Walmart giờ đây cần phải tập trung vào công nghệ kỹ thuật số để nâng cao tính thuận tiện, nhanh chóng nhằm thu hút thế hệ khách hàng mới.
Khách hàng chính của công ty hiện nay là thế hệ sinh sau năm 1980 – những người có kỳ vọng vô cùng khác biệt với thế hệ cũ. Họ hiểu biết về công nghệ và sống cuộc sống kỹ thuật số nên ưa chuộng cách mua sắm sản phẩm, dịch vụ trực tuyến. Ngoài nhu cầu thiết yếu, họ còn phụ thuộc vào các kênh trực tuyến, mạng xã hội và làm phát sinh nhiều nhu cầu giải trí, thỏa mãn bản thân khác như chăm sóc nhà cửa, làm đẹp, thời trang…
Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy Walmart tiến tới số hóa là sự trỗi dậy của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon. Nếu Walmart là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ của Hoa Kỳ thì Amazon luôn bám đuổi sát sao.
Thậm chí, xét về doanh số thương mại điện tử ở Mỹ, Walmart còn phải chịu lép vế trước đối thủ. Đối mặt với nguy cơ bị vượt qua, Walmart nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của việc số hóa, đặt mục tiêu tận dụng và phát huy các thế mạnh cạnh tranh ấn tượng hơn.
III. Chuyển đổi số lĩnh vực bán lẻ thành công như Walmart
Từ những thông tin trên có thể khẳng định chuyển đổi số ở Walmart không chỉ đơn giản là thay đổi hình thức bán hàng. Chiến lược của công ty được đánh giá cao nhờ sự bài bản, chuyển đổi toàn diện mọi hoạt động. Cụ thể, những ứng dụng đáng học hỏi của Walmart bao gồm:
1. Quản lý hàng tồn kho
1.1. Sử dụng robot Bossa Nova
Nghiên cứu ngành hàng bán lẻ ở Mỹ chỉ ra mức độ chính xác của hàng tồn kho chỉ đạt 88%. Điều này nghĩa là 12% số hàng hóa còn lại vẫn có nguy cơ tồn đọng trong kho hoặc gắn sai giá bán. Vì vậy, các nhà bán lẻ luôn ưu tiên việc quản lý tồn kho nhằm đảm bảo doanh số chính xác cũng như dự báo nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Với Walmart, công ty lựa chọn sử dụng robot Bossa Nova – công cụ quét kệ hàng cho hơn 350 cửa hàng của mình. Những robot này sẽ xác định và kiểm soát chặt chẽ số lượng, giá bán hàng hóa trên từng vị trí kệ. Chúng cũng hỗ trợ khách hàng tìm kiếm sản phẩm dễ dàng, nhanh chóng hơn.
1.2. Gắn nhãn điện tử trên các kệ trưng bày sản phẩm
Một công nghệ khác được Walmart ứng dụng là nhãn dán điện tử trên kệ trưng bày. Hiện hình thức chuyển đổi số ở Walmart này đang có mặt tại hai cửa hàng ở Mỹ với tính năng điều chỉnh giá tự động.
Khi ban quản lý cửa hàng thay đổi giá hoặc có chương trình ưu đãi mới, nhân viên sẽ không phải in ấn và đổi nhãn dán thủ công. Công ty thậm chí còn tổ chức trao đổi chuyên sâu về chủ này nhằm tìm ra chiến lược điều chỉnh giá theo thời gian thực khả thi nhất.
1.3. Thử nghiệm cách thức bán lẻ thông minh
Walmart thành lập Phòng thí nghiệm bán lẻ thông minh gọi tắt là “IRL” (Intelligent Retail Lab) để thu thập thông tin sự kiện xảy ra trong cửa hàng thông qua cảm biến, máy ảnh và bộ xử lý. Từ đó, công ty tập trung vào việc theo dõi hàng tồn kho, quản lý sự có sẵn của hàng hóa. Những dữ liệu này thông báo cho nhân sự nắm bắt thời điểm cần bổ sung hoặc thay thế sản phẩm.
2. Tìm nguồn cung ứng
2.1. Tính toán ngày giao hàng dự kiến
Walmart phải vận hành hơn 10.526 cửa hàng cùng quản lý hàng tồn kho trị giá 32 tỷ USD nên công ty đặc biệt coi trọng nhiệm vụ cải tiến chuỗi cung ứng. Walmart ước tính rằng chỉ cần tăng thêm 5% hiệu quả chuỗi cung ứng, doanh thu tổng có thể tăng thêm hàng tỷ USD.
Do đó, các giai đoạn cung ứng đều được tính toán bằng thuật toán thông minh. Ví dụ, để xác nhận ngày giao hàng dự kiến, Walmart sẽ tổng hợp từ 3 yếu tố:
- Khoảng cách giữa khách hàng và trung tâm xử lý của công ty.
- Mức độ hàng tồn kho của sản phẩm.
- Phương thức vận chuyển phù hợp và tốc độ dự kiến.
2.2. Xác định nguồn cung cấp hàng
Mỗi khi nhận đơn đặt hàng, thuật toán của Walmart đồng thời phân tích những biến số sau để quá trình cung ứng diễn ra thuận lợi:
- Trung tâm xử lý đơn hàng gần với khách hàng nhất.
- Hãng vận chuyển có thể giao hàng nhanh với mức giá thấp nhất.
3. Đặt hàng và giao hàng
3.1. Tối ưu hóa thời gian lấy hàng, đóng gói
Ở bước tiếp theo, chiến lược chuyển đổi số ở Walmart là tối ưu thời gian lấy hàng từ kệ trưng bày qua cách định vị nơi lấy sản phẩm chính xác. Nhân viên rút ngắn thời gian tìm kiếm để đóng hàng, gửi hàng cho đội vận chuyển kịp thời.
3.2. Lập kế hoạch tuyến đường giao hàng
Cuối cùng, Walmart ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu vào vận chuyển nhằm tối đa hóa hiệu quả cung ứng tổng thể. Theo đó, bản đồ tuyến đường giao nhận hàng được tính toán tự động bằng các thông số như địa chỉ, điểm nhận, ngày giao và phương thức giao.
Bên cạnh những hoạt động trên, Walmart còn khám phá ra tiềm năng to lớn của Blockchain bằng cách hợp tác IBM Food Trust – mạng lưới cộng tác của người nuôi trồng, chế biến cùng các đơn vị bán lẻ, phân phối, sản xuất. IBM Food Trust phụ trách việc truy xuất nguồn gốc sát sao và Walmart thúc đẩy nhà cung cấp của mình chủ động theo dõi, đảm bảo chất lượng sản phẩm trong hành trình đến tay người tiêu dùng.
IV. Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nên ứng dụng bài học chuyển đổi số ở Walmart như thế nào?
Có thể nói, những thành tựu chuyển đổi số ở Walmart mở ra góc nhìn mới cho doanh nghiệp bán lẻ. Thay vì chuyển đổi rời rạc, thiếu hệ thống thì tổ chức cần có mục tiêu, chiến lược chuyển đổi đồng bộ từng bước.
Sự liên kết chặt chẽ giữa các giai đoạn của chuỗi cung ứng không chỉ hỗ trợ đội ngũ quản lý dữ liệu khoa học mà còn cải tiến quy trình làm việc hiệu quả. Để làm được việc đó, doanh nghiệp có thể tìm kiếm những giải pháp trang bị chuyển đổi số toàn diện.
V. Lời kết
Nếu như trước đây doanh nghiệp bán lẻ chỉ cần phân phối sản phẩm tới tay người mua thì hiện nay, sự cạnh tranh công nghệ cùng thói quen tiêu dùng mới đã đặt ra yêu cầu cải tiến quy trình trên. Vì vậy, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật là xu hướng tất yếu cho doanh nghiệp bán lẻ chuyển mình và bứt phá.
Hy vọng qua thành công chuyển đổi số ở Walmart, bạn đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm hữu ích cho doanh nghiệp mình.
Tác giả: YURIC ALEXANDER