Hoàn thuế GTGT được hiểu là một khoản thuế được Nhà nước trả lại cho người nộp thuế sau khi họ đã nộp vào Ngân sách nhà nước. Nhiều doanh nghiệp có số GTGT được hoàn khá lớn nên việc tìm hiểu về quy định, điều kiện, hồ sơ, thủ tục hoàn thuế GTGT là rất quan trọng để đảm bảo doanh nghiệp sẽ nhận được số thuế GTGT được hoàn sớm và đầy đủ nhất có thể. Để giúp các doanh nghiệp nắm bắt được những quy định trên chúng tôi xin chia sẻ chi tiết trong nội dung bài viết ngay dưới đây.
(Căn cứ pháp lý theo Điều 13 Luật Thuế GTGT 2008 (một số khoản được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Thuế GTGT sửa đổi 2013) được hướng dẫn chi tiết bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC; Thông tư 25/2018/TT-BTC).
1. Đối tượng và trường hợp được hoàn thuế
Chúng tôi xin tóm tắt nội dung chính của các đối tượng hoàn thuế trên trong đó tập trung 2 đối tượng thường hay phát sinh hoàn thuế GTGT tại doanh nghiệp là dự án đầu tư và hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
1.1 Hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư
Dự án đầu tư được hoàn thuế GTGT theo quy định là dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Cụ thể có thể chia làm các trường hợp hoàn thuế với dự án đầu tư như sau:
1.1.1 Hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư cùng tỉnh, thành phố
Điều kiện: Cơ sở kinh doanh đang hoạt động thuộc:
- Đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ;
- Có dự án đầu tư;
- Cùng tỉnh, thành phố, đang trong giai đoạn đầu tư.
? Nếu muốn được hoàn thuế GTGT cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai riêng đối với dự án đầu tư;
- Phải kết chuyển thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư để bù trừ với việc kê khai thuế GTGT của hoạt động sản xuất kinh doanh đang thực hiện như sau:
+ Số thuế GTGT được kết chuyển của dự án đầu tư tối đa bằng số thuế GTGT phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ của cơ sở kinh doanh.
+ Sau khi bù trừ nếu số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư.
+ Sau khi bù trừ nếu số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư mà chưa được khấu trừ hết nhỏ hơn 300 triệu đồng thì kết chuyển vào số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư của kỳ kê khai tiếp theo.
1.1.2 Hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư khác tỉnh, thành phố
Trường hợp 1: Không thành lập Ban Quản lý dự án hoặc chi nhánh
Điều kiện: Cơ sở kinh doanh đang hoạt động thuộc:
- Đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ;
- Có dự án đầu tư mới tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính;
- Đang trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động, chưa đăng ký kinh doanh, chưa đăng ký thuế.
? Nếu muốn được hoàn thuế GTGT cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Cơ sở kinh doanh lập hồ sơ khai thuế riêng cho dự án đầu tư;
- Phải kết chuyển thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư để bù trừ với việc kê khai thuế GTGT của hoạt động sản xuất kinh doanh đang thực hiện:
+ Số thuế GTGT được kết chuyển của dự án đầu tư tối đa bằng số thuế GTGT phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ của cơ sở kinh doanh.
+ Sau khi bù trừ nếu số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư mới chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư.
+ Sau khi bù trừ nếu số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư mới chưa được khấu trừ hết nhỏ hơn 300 triệu đồng thì kết chuyển vào số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư của kỳ kê khai tiếp theo.
Trường hợp 2: Thành lập Ban Quản lý dự án hoặc chi nhánh
Cơ sở kinh doanh có quyết định thành lập các Ban Quản lý dự án hoặc chi nhánh đóng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính để thay mặt người nộp thuế trực tiếp quản lý một hoặc nhiều dự án đầu tư tại nhiều địa phương:
- Ban Quản lý dự án, chi nhánh có con dấu theo quy định của pháp luật;
- Lưu giữ sổ sách chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán;
- Có tài khoản gửi tại ngân hàng, đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.
? Để được hoàn thuế GTGT, Ban Quản lý dự án, chi nhánh cần thực hiện:
- Lập hồ sơ khai thuế, hoàn thuế riêng với cơ quan thuế địa phương nơi đăng ký thuế.
? Khi dự án đầu tư để thành lập doanh nghiệp đã hoàn thành và hoàn tất các thủ tục về đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế, cơ sở kinh doanh là chủ dự án đầu tư phải tổng hợp:
- Số thuế GTGT phát sinh
- Số thuế GTGT đã hoàn
- Số thuế GTGT chưa được hoàn của dự án để bàn giao cho doanh nghiệp mới thành lập để doanh nghiệp mới thực hiện kê khai, nộp thuế.
1.1.3 Các trường dự án đầu tư không được hoàn thuế
Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư theo pháp luật về đầu tư sang kỳ tiếp theo đối với các trường hợp:
- Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký theo quy định của pháp luật. Các cơ sở kinh doanh nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế dự án đầu tư nhưng tính đến ngày nộp hồ sơ không góp đủ số vốn điều lệ như đăng ký theo quy định của pháp luật thì không được hoàn thuế.
- Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có Điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư là dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng cơ sở kinh doanh chưa được cấp giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
- Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động là dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng trong quá trình hoạt động cơ sở kinh doanh bị thu hồi giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
- Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư.
1.2 Hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
1.2.1 Đối tượng được hoàn thuế xuất khẩu
- Cơ sở có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
- Cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu
- Cơ sở ký hợp đồng gia công xuất khẩu với phía nước ngoài
- Doanh nghiệp có hàng hóa, vật tư xuất khẩu thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài.
- Cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu tại chỗ
1.2.2 Điều kiện hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
Trường hợp 1: Chỉ có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
Điều kiện để hoàn thuế với trường hợp này như sau:
Điều kiện 1. Cơ sở kinh doanh kê khai theo phương pháp khấu trừ trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
Áp dụng cả trường hợp cơ sở kinh doanh hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài.
Điều kiện 2. Phải có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý.
Nếu trường hợp trong tháng, quý số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo.
Trường hợp 2: Vừa có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hoá, dịch vụ tiêu thụ nội địa
Điều kiện để hoàn thuế với trường hợp này như sau:
Điều kiện 1. Cơ sở kinh doanh kê khai theo phương pháp khấu trừ.
Điều kiện 2. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
- Nếu cơ sở kinh doanh trong tháng/quý vừa có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hoá, dịch vụ tiêu thụ nội địa thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
- Trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được xác định theo tỷ lệ doanh thu xuất khẩu (1).
Tỷ lệ doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (1) | = | Doanh thu của hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu |
Tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế GTGT tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến doanh thu hàng hóa, dịch vụ |
Điều kiện 3. Số thuế GTGT xuất khẩu sau khi bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa còn lại phải từ 300 triệu đồng trở lên mới đủ điều kiện hoàn thuế.
- Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (bao gồm số thuế GTGT đầu vào hạch toán riêng được và số thuế GTGT đầu vào được phân bổ theo tỷ lệ nêu trên) nếu sau khi bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
Điều kiện 4. Số thuế GTGT được hoàn tối đa không vượt quá doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nhân (x) với 10%
1.2.3 Các trường hợp không được hoàn thuế xuất khẩu
Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT đối với trường hợp:
- Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu mà hàng hóa xuất khẩu đó không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
- Hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
1.2.4 Các trường hợp được hoàn thuế trước, kiểm tra sau
Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với các trường hợp sau:
- Người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không bị xử lý đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế, gian lận thuế, gian lận thương mại trong thời gian hai năm liên tục.
- Người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Điều kiện pháp lý và thủ tục hoàn thuế GTGT
Căn cứ theo Điều 19 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định điều kiện pháp lý chung để đối tượng đủ điều kiện được hoàn thuế như sau:
- Các cơ sở kinh doanh, tổ chức thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn nêu trên phải là cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.
- Đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư (giấy phép hành nghề) hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền.
- Có con dấu theo đúng quy định của pháp luật.
- Lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán.
- Có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng theo mã số thuế của cơ sở kinh doanh.
- Khi cơ sở kinh doanh đã kê khai đề nghị hoàn thuế trên Tờ khai thuế GTGT thì không được kết chuyển số thuế đầu vào đã đề nghị hoàn thuế vào số thuế được khấu trừ của tháng/quý tiếp sau.
3. Thủ tục được hoàn thuế GTGT
(Căn cứ pháp lý theo Thông tư 99/2016/TT-BTC, Luật quản lý thuế số 38 năm 2019, Thông tư số 80/2021/TT-BTC).
3.1 Phương thức và nơi nộp hồ sơ hoàn thuế GTGT
Theo Điều 10, Thông tư số 99/2016/TT-BTC quy định về phương thức và nơi nộp hồ sơ hoàn thuế GTGT như sau:
- Phương thức và nơi hồ sơ hoàn thuế điện tử hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc gửi qua đường bưu chính đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế.
- Chi nhánh, đơn vị phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 và không phải là đơn vị kế toán lập báo cáo tài chính theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Kế toán số 88/2015/QH13, khi đề nghị hoàn thuế GTGT phải có văn bản ủy quyền của doanh nghiệp trụ sở chính theo quy định của pháp luật về uỷ quyền.
3.2 Hồ sơ hoàn thuế GTGT
3.2.1. Hồ sơ hoàn thuế GTGT dự án đầu tư
- Tờ khai thuế GTGT dành cho dự án đầu tư theo mẫu số 02/GTGT, Thông tư số 80/2021/TT-BTC).
- Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước mẫu số: 01/HT ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC.
- Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa dịch vụ mua vào mẫu số: 01-1/HT ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC.
3.2.2. Hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu
- Giấy đề nghị hoàn trả Khoản thu ngân sách nhà nước mẫu 01/ĐNHT (ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC).
- Hợp đồng mua bán, gia công, tờ khai hải quan, chứng từ thanh toán qua ngân hàng…
Chúng tôi có thể tóm lược lại các nội dung quan trọng về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư và đối với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu lại cho các bạn đọc như sau:
A. Hoàn thuế đối với dự án đầu tư chia làm cùng tỉnh và khác tỉnh, điều kiện hoàn chung của 2 loại này đều là:
– Cơ sở kinh doanh phải kê khai theo phương pháp khấu trừ, lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán đầy đủ, có tài khoản ngân hàng.
– Dự án phải được đủ điều kiện hoạt động theo quy định không bị thu hồi giấy phép trong quy trình hoạt động.
– Dự án phải đang trong giai đoạn đầu tư.
– Số thuế GTGT đầu vào đủ điều kiện hoàn sau khi bù trừ hết với số thuế gtgt phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ phải đạt từ 300trđ trở lên.
– Cơ sở kinh doanh nộp hồ sơ đề nghị hoàn đúng quy định.
B. Hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu chia làm 2 trường hợp: chỉ có hoạt động xuất khẩu và có cả xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa, điều kiện chung là:
– Cơ sở kinh doanh phải kê khai theo phương pháp khấu trừ, lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán đầy đủ, có tài khoản ngân hàng.
– Trong tháng/quý đề nghị hoàn phải có hoạt động xuất khẩu.
– Số thuế GTGT được hoàn tối đa không vượt quá doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nhân (x) với 10%.
– Trong trường hợp, cơ sở kinh doanh vừa có hoạt động xuất khẩu lại vừa có hoạt động bán hàng nội địa thì phải hạch toán riêng hoặc phân bổ số thuế GTGT xuất khẩu đủ điều kiện hoàn theo tỷ lệ doanh thu xuất khẩu.
– Số thuế GTGT đầu vào đủ điều kiện hoàn sau khi bù trừ hết với số thuế gtgt phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ phải đạt từ 300trđ trở lên.
– Cơ sở kinh doanh nộp hồ sơ đề nghị hoàn đúng quy định.
Ngoài ra, còn các trường hợp hoàn thuế khác, quý bạn đọc quan tâm có thể xem thêm chi tiết tại đây.
Chúng tôi hy vọng qua bài viết này đã giúp cho các bạn kế toán có được những kiến thức bổ ích và cần thiết để dễ dàng thực hiện được việc hoàn thuế GTGT khi có phát sinh tại doanh nghiệp của mình.
Người tổng hợp: Người yêu kế toán.