Ngày 17/11/2021, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 101/2021/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC). Thông tư số 101/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 và sẽ thay thế Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam. Để quý bạn đọc và quý doanh nghiệp nắm nhanh được nội dung của bảng giá dịch vụ mới này, MISA AMIS xin tóm tắt và giới thiệu những điểm mới đáng chú ý của Thông tư số 101/2021/TT-BTC. Đồng thời, MISA AMIS cũng hướng dẫn cách ghi nhận hạch toán kế toán khi mua chứng khoán kinh doanh.
1. Tóm tắt nội dung chính và tổng hợp những điểm mới của bảng giá dịch vụ mới trong Thông tư số 101/2021/TT-BTC
1.1. Tóm tắt nội dung
Thông tư số 101/2021/TT-BTC bao gồm các quy định chi tiết như sau:
Đối tượng áp dụng của Thông tư bao gồm:
STT | Đối tượng áp dụng | Bao gồm |
1 | Tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán (Theo quy định tại Thông tư này) | SGDCK, VSDC được thành lập và hoạt động tại Việt Nam |
2 | Tổ chức, cá nhân sử dụng các dịch vụ chứng khoán được cung cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán (Tại khoản 1 Điều này) | – Thành viên của SGDCK;
– Thành viên của VSDC; – Tổ chức đăng ký niêm yết; – Tổ chức niêm yết; – Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; – Tổ chức phát hành; – Tổ chức mở tài khoản trực tiếp tại VSDC; – Cá nhân, tổ chức thực hiện chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch của SGDCK; – Kho bạc Nhà nước; – Tổ chức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của Luật quản lý nợ công; – Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. |
3 | Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan |
1.2 Tổng hợp một số điểm mới của Thông tư số 101/2021/TT-BTC so với Thông tư số 127/2018/TT-BTC
Thông tư số 101/2021/TT-BTC có các quy định mới về giá dịch vụ áp dụng tại Thị trường chứng khoán phái sinh. Theo đó, tại Sở Giao dịch Chứng khoán, giá dịch vụ đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh là 20 triệu đồng; giá dịch vụ quản lý thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh là 20 triệu đồng/năm. Các dịch vụ phái sinh có sự thay đổi như sau:
Dịch vụ | Giá mới | Giá cũ |
Giá dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh (đối với hợp đồng tương lai chỉ số) | 2.700 đồng/hợp đồng | 3.000 đồng/hợp đồng |
Giá dịch vụ (đối với hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ) | 4.500 đồng/hợp đồng | 5.000 đồng/hợp đồng |
Tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, giá dịch vụ đăng ký thành viên bù trừ là 20 triệu đồng; giá dịch vụ quản lý thành viên bù trừ là 30 triệu đồng/năm. Các dịch vụ lưu ký và bù trừ có sự thay đổi như sau:
Dịch vụ | Giá mới | Giá cũ |
Giá dịch vụ quản lý vị thế | 2.550 đồng/hợp đồng/tài khoản/ngày, | 3000 đồng/hợp đồng/tài khoản/ngày |
Giá dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ | 0,0024% giá trị lũy kế số dư tài sản ký quỹ
(Tiền + giá trị chứng khoán tính theo mệnh giá)/tài khoản/tháng (tối đa không quá 1.600.000 đồng/tài khoản/tháng, tối thiểu không thấp hơn 100.000 đồng/tài khoản/tháng) |
0,003% giá trị luỹ kế số dư tài khoản ký quỹ |
Đối với dịch vụ lưu ký chứng khoán, tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam:
Dịch vụ | Giá mới | Giá cũ |
Giá dịch vụ lưu ký chứng khoán (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm) | 0,27 đồng/cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm/tháng | 0,3 đồng/cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm/tháng. |
Giá dịch vụ lưu ký chứng khoán trái phiếu doanh nghiệp | 0,18 đồng/trái phiếu doanh nghiệp, tối đa 2.000.000 đồng/tháng/mã trái phiếu doanh nghiệp; | 0,2 đồng/trái phiếu doanh nghiệp, công cụ nợ theo quy định tại Luật Quản lý nợ công/tháng, tối đa 2.000.000 đồng/tháng/mã trái phiếu doanh nghiệp, công cụ nợ |
Công cụ nợ theo quy định tại Luật Quản lý nợ công | 0,14 đồng/công cụ nợ theo quy định tại Luật Quản lý nợ công/tháng, tối đa 1.400.000 đồng/tháng/mã công cụ nợ theo quy định tại Luật Quản lý nợ công | Không quy định |
2. Cách ghi nhận và hạch toán giá mua chứng khoán
Trong kế toán, sử dụng tài khoản 121 – Chứng khoán kinh doanh (Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014) để phản ánh tình hình mua, bán và thanh toán các loại chứng khoán theo quy định của pháp luật nắm giữ vì mục đích kinh doanh, kể cả chứng khoán có thời gian đáo hạn trên 12 tháng mua vào, bán ra để kiếm lời.
2.1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình mua, bán và thanh toán các loại chứng khoán theo quy định của pháp luật, nắm giữ vì mục đích kinh doanh (kể cả chứng khoán có thời gian đáo hạn trên 12 tháng mua vào, bán ra để kiếm lời).
Chứng khoán kinh doanh bao gồm:
- Cổ phiếu, trái phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán;
- Các loại chứng khoán và công cụ tài chính khác.
Tài khoản này không phản ánh các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, như: Các khoản cho vay theo khế ước giữa 2 bên, tiền gửi ngân hàng, trái phiếu, thương phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu,…nắm giữ đến ngày đáo hạn.
b) Cách xác định giá mua để ghi sổ kế toán như sau:
Chứng khoán kinh doanh phải được ghi sổ kế toán theo giá gốc, có công thức:
Giá gốc = Giá mua + Chi phí mua (nếu có)
Chi phí mua bao gồm: chi phí môi giới, giao dịch, cung cấp thông tin, thuế, lệ phí và phí ngân hàng.
Giá gốc của chứng khoán kinh doanh được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh. Thời điểm ghi nhận các khoản chứng khoán kinh doanh là thời điểm nhà đầu tư có quyền sở hữu, cụ thể như sau:
- Chứng khoán niêm yết được ghi nhận tại thời điểm khớp lệnh (T+0);
- Chứng khoán chưa niêm yết được ghi nhận tại thời điểm chính thức có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
c) Cuối niên độ kế toán, nếu giá trị thị trường của chứng khoán kinh doanh bị giảm xuống thấp hơn giá gốc, kế toán được lập dự phòng giảm giá.
d) Doanh nghiệp phải hạch toán đầy đủ, kịp thời các khoản thu nhập từ hoạt động đầu tư chứng khoán kinh doanh. Khoản cổ tức được chia cho giai đoạn trước ngày đầu tư được ghi giảm giá trị khoản đầu tư. Khi nhà đầu tư nhận được thêm cổ phiếu mà không phải trả tiền do công ty cổ phần sử dụng thặng dư vốn cổ phần, các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (chia cổ tức bằng cổ phiếu) để phát hành thêm cổ phiếu, nhà đầu tư chỉ theo dõi số lượng cổ phiếu tăng thêm trên thuyết minh Báo cáo tài chính, không ghi nhận giá trị cổ phiếu được nhận, không ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính và không ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư vào công ty cổ phần.
Riêng các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, việc kế toán khoản cổ tức được chia bằng cổ phiếu thực hiện theo các quy định của pháp luật áp dụng cho loại hình doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
đ) Mọi trường hợp hoán đổi cổ phiếu đều phải xác định giá trị cổ phiếu theo giá trị hợp lý tại ngày trao đổi. Việc xác định giá trị hợp lý của cổ phiếu được thực hiện như sau:
- Đối với cổ phiếu của công ty niêm yết, giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá đóng cửa niêm yết trên thị trường chứng khoán tại ngày trao đổi. Trường hợp tại ngày trao đổi thị trường chứng khoán không giao dịch thì giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá đóng cửa phiên giao dịch trước liền kề với ngày trao đổi.
- Đối với cổ phiếu chưa niêm yết được giao dịch trên sàn UPCOM, giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá giao dịch đóng cửa trên sàn UPCOM tại ngày trao đổi. Trường hợp ngày trao đổi sàn UPCOM không giao dịch thì giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá đóng cửa phiên giao dịch trước liền kề với ngày trao đổi.
- Đối với cổ phiếu chưa niêm yết khác, giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá do các bên thỏa thuận theo hợp đồng hoặc giá trị sổ sách tại thời điểm trao đổi.
e) Kế toán phải mở sổ chi tiết để theo dõi chi tiết từng loại chứng khoán kinh doanh mà doanh nghiệp đang nắm giữ (theo từng loại chứng khoán; theo từng đối tượng, mệnh giá, giá mua thực tế, từng loại nguyên tệ sử dụng để đầu tư…).
g) Khi thanh lý, nhượng bán chứng khoán kinh doanh (tính theo từng loại chứng khoán), giá vốn được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền di động (bình quân gia quyền theo từng lần mua).
2.2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 121 – Chứng khoán kinh doanh
a) Kết cấu
Bên Nợ: Giá trị chứng khoán kinh doanh mua vào.
Bên Có: Giá trị ghi sổ chứng khoán kinh doanh khi bán.
Số dư bên Nợ: Giá trị chứng khoán kinh doanh tại thời điểm báo cáo.
b) Nội dung
Tài khoản 121 – Chứng khoán kinh doanh, có 3 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1211 – Cổ phiếu: Phản ánh tình hình mua, bán cổ phiếu với mục đích nắm giữ để bán kiếm lời.
- Tài khoản 1212 – Trái phiếu: Phản ánh tình hình mua, bán và thanh toán các loại trái phiếu nắm giữ để bán kiếm lời.
- Tài khoản 1218 – Chứng khoán và công cụ tài chính khác: Phản ánh tình hình mua, bán các loại chứng khoán và công cụ tài chính khác theo quy định của pháp luật để kiếm lời, như chứng chỉ quỹ, quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, thương phiếu… Tài khoản này còn phản ánh cả tình hình mua, bán các loại giấy tờ có giá khác như thương phiếu, hối phiếu để bán kiếm lời.
2.3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
Khi mua chứng khoán kinh doanh, căn cứ vào chi phí thực tế mua (giá mua cộng (+) chi phí môi giới, giao dịch, chi phí thông tin, lệ phí, phí ngân hàng…), ghi:
Nợ TK 121 – Chứng khoán kinh doanh
Có TK 111, 112, 331;
Có TK 141 – Tạm ứng;
Có TK 244 – Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược.
3. Kết luận
MISA AMIS hy vọng qua những thông tin chia sẻ về bảng giá dịch vụ mới trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại sở giao dịch chứng khoán và tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán việt nam theo Thông tư số 101/2021/TT-BTC sẽ giúp các bạn và các doanh nghiệp có những quyết định lựa chọn đầu tư chứng khoán đúng đắn.
Chúc các bạn và doanh nghiệp thành công!
Tác giả: Người yêu kế toán