Bảng cân đối kế toán là báo cáo tài chính giúp cho doanh nghiệp nắm bắt được tình hình tài chính của mình, thể hiện tài sản, nợ phải trả của công ty và vốn chủ sở hữu. Bảng cân đối kế toán cùng với báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ là ba loại báo cáo tài chính quan trọng của doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với một cổ đông hoặc các nhà lãnh đạo hay kế toán của công ty thì cần phải hiểu được bảng cân đối kế toán có cấu trúc như thế nào. Hãy theo dõi bài viết của Ketoan.vn để biết cách đọc bảng cân đối kế toán chính xác nhất nhé!
Bảng cân đối kế toán hoạt động như thế nào
Bảng cân đối kế toán được chia làm hai phần chính: Tài sản và Nguồn vốn. Trong đó Nguồn vốn bao gồm Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu.
Trong kế toán, tồn tại phương trình kế toán biểu hiện mối quan hệ giữa tài sản và Nguồn vốn của doanh nghiệp:
Tài sản = Nguồn vốn
hoặc
Tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu
Điều này có nghĩa là tài sản hoặc những công cụ được sử dụng để vận hành công ty được cân bằng với nợ tài chính của công ty, vốn đầu tư mà chủ sở hữu đưa vào công ty và lợi nhuận giữ lại. Tài sản là những gì một công ty sử dụng để phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, còn nguồn vốn là nguồn phục vụ tài sản này.
Các loại tài sản
Tài sản ngắn hạn
Tài sản ngắn hạn có thời gian sử dụng dưới 1 năm. Điều này có nghĩa là chúng có khả năng thanh khoản tốt, tức là dễ chuyển đổi thành tiền mặt.
Tài sản ngắn hạn bao gồm: Tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho. Trong đó tiền mặt là tài sản ngắn hạn cơ bản nhất, ngoài ra còn có tiền gửi ngân hàng và các khoản chi phiếu. Tương đương tiền cũng là loại tài sản rất an toàn vì nó có khả năng chuyển đổi thành tiền nhanh chóng, ví dụ như trái phiếu kho bạc. Các khoản phải thu bao gồm các khoản công ty cho khách hàng nợ ngắn hạn, hoặc phải được thanh toán trong vòng 1 năm.
Tài sản dài hạn
Tài sản dài hạn là những tài sản có giá trị lớn, được sử dụng trong nhiều kỳ sản xuất kinh doanh và không thể chuyển thành tiền mặt một cách dễ dàng. Tài sản dài hạn được phân thành tài sản cố định hữu hình (máy móc, thiết bị, nhà đất…) và tài sản cố định vô hình (lợi thế thương mại, bằng sáng chế, quyền tác giả…). Khấu hao là khoản chi phí sử dụng trên thời gian sử dụng hữu ích của loại tài sản của doanh nghiệp. Nó được tính toán và khấu trừ cho hầu hết các loại tài sản.
Các loại nợ phải trả
Đây là khoản được thể hiện bên phải bảng cân đối kế toán. Nợ phải trả là nghĩa vụ tài chính của công ty, được phát sinh từ các sự kiện trong quá khứ và doanh nghiệp phải có trách nhiệm chi trả. Cũng giống như tài sản, nợ phải trả được phân thành hai loại: Nợ ngắn hạn và dài hạn.
Vốn chủ sở hữu
Vốn chủ sở hữu là số tiền ban đầu được đầu tư vào doanh nghiệp. Nếu vào cuối năm tài chính, công ty quyết định tái đầu tư lợi nhuận ròng của mình vào công ty, thì lợi nhuận giữ lại sẽ được chuyển từ báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh vào tài khoản vốn chủ sở hữu của cổ đông trên bảng cân đối kế toán. Mục này đại diện cho tổng giá trị tài sản ròng của công ty.
Phân tích bảng cân đối kế toán dựa vào các chỉ số
Để hiểu sâu hơn về bảng cân đối kế toán và cách nó được xây dựng như thế nào thì chúng ta cần sử dụng kỹ thuật phân tích để nắm được các thông tin trong bảng cân đối kế toán. Chủ yếu việc phân tích sẽ thông qua phân tích các chỉ số tài chính.
Đối với bảng cân đối kế toán, sử dụng các chỉ số tài chính (như tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu) sẽ cho bạn một cái nhìn về tình hình tài chính của công ty và hiệu quả hoạt động của nó. Ví dụ, dưới góc độ một nhà đầu tư, bạn nên chú ý đến vốn lưu động ròng và tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu. Thông tin này sẽ cung cấp cho bạn là công ty có thể đáp ứng các khoản nợ phải trả của mình được không và cách họ sử dụng đòn bẩy tài chính.
Kết luận
Bảng cân đối kế toán và các loại báo cáo tài chính khác là những công cụ quan trọng mà người làm kế toán cũng như các nhà quản lý, các nhà đầu tư của doanh nghiệp cần phải nắm được. Mục đích của bảng cân đối kế toán là cung cấp cho người sử dụng một sự hình dung về vị trí tài chính của công ty qua việc chỉ ra những gì công ty đang sở hữu và các nghĩa vụ nợ của công ty. Vì thế việc đọc bảng cân đối kế toán là vô cùng quan trọng.
Xem thêm các bài viết tại