Bạn là kế toán mới ra trường chưa nắm được những quy định về trích dự phòng tiền lương, điều kiện trích lập dự phòng tiền lương và cách hạch toán trích lập dự phòng tiền lương theo thông tư 133 và thông tư 200 của Bộ Tài chính. Ketoan.vn sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức về trích dự phòng tiền lương qua bài viết dưới đây.
1. Quy định về trích lập quỹ dự phòng tiền lương
Theo điểm 2.6 khoản 2 điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định:
- “Tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa trả, trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề.
- Mức dự phòng do doanh nghiệp quy định nhưng sẽ không quá 17% quỹ lương thực hiện
- Quỹ lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định
- Việc trích lập dự phòng tiền lương phải đảm bảo doanh nghiệp không bị lỗ sau khi trích lập, nếu lỗ thì không được trích đủ 17% theo quy định
- Trường hợp doanh nghiệp có trích lập dự phòng tiền lương mà sau 6 tháng chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết thì phải ghi giảm chi phí của năm sau.”
Ví dụ thực tế: Khi nộp hồ sơ quyết toán thuế năm 2019, Công ty TNHH ABC có trích quỹ dự phòng tiền lương số tiền 20 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2020, công ty mới chi số tiền trích lập dự phòng quỹ tiền lương là 14 tỷ đồng.
Do vậy, công ty phải tính giảm chi phí tiền lương năm sau (năm 2020) là 20 tỷ – 14 tỷ = 6 tỷ đồng
Từ đó, chúng ta cần nắm được các điều kiện trích lập quỹ dự phòng tiền lương như sau:
- Mức trích lập dự phòng tiền lương cho năm sau kế tiếp không được vượt quá 17% quỹ lương thực hiện trong năm của doanh nghiệp
- Sau khi trích lập, doanh nghiệp không được bị lỗ. Nếu doanh nghiệp lỗ thì mức trích lập phải thấp hơn 17%
- Sau 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính, nếu quỹ trích lập dự phòng không được sử dụng hết thì phải tính làm giảm chi phí của năm sau
Bạn cũng cần lưu ý những chứng từ trích lập dự phòng quỹ tiền lương:
- Quy chế lương thưởng, quy chế tài chính của doanh nghiệp cần phải quy định rõ: khi nào cần trích lập và mức dự kiến trích lập là bao nhiêu
- Cần có tờ trình về kế hoạch trả lương năm sau sẽ phải cần đến quỹ dự phòng tiền lương
- Khi trích lập dự phòng cần có phiếu chi và quyết định của giám đốc về trích lập: Mức trích lập, kế hoạch sử dụng…
Ngoài ra, kế toán cũng cần lưu ý những vấn đề sau để chi phí được coi là chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN:
- Trường hợp công ty có thực hiện trích trước khoản tiền thưởng thành tích trong năm tài chính nhưng đến hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN, Công ty chưa thực hiện chi trả thì chi phí phát sinh sẽ không đủ điều kiện để hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN của năm đó.
- Tuy nhiên, đến kỳ tính thuế của năm tài chính sau, công ty đã thực hiện khoản chi tiền thưởng thành tích của năm trước thì công ty sẽ được tính khoản chi đó vào chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN của kỳ tính thuế mà công ty thực chi nếu đáp ứng đủ các yêu cầu: hóa đơn chứng từ đầy đủ theo quy định của pháp luật.
2. Cách hạch toán trích lập quỹ dự phòng tiền lương
Theo hướng dẫn của thông tư 200 và thông tư 133, để trích lập dự phòng tiền lương, kế toán sẽ sử dụng tài khoản 3524 – Dự phòng phải trả khác.
Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản dự phòng phải trả khác theo quy định của pháp luật. Các khoản dự phòng phải trả khác có thể là: chi phí hoàn nguyên môi trường, chi phí thu dọn, khôi phục và hoàn trả mặt bằng, dự phòng trợ cấp thôi việc, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng TSCĐ định kỳ…
Cách hạch toán trích lập dự phòng tiền lương
- Khi trích lập dự phòng phải trả khác, kế toán ghi:
Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 3524 – Dự phòng phải trả khác
- Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến khoản dự phòng phải trả đã lập, kế toán ghi
Nợ TK 3524 – Dự phòng phải trả khác
Có TK 334 – Phải trả công nhân viên
- Trường hợp năm sau (sau 6 tháng) chưa sử dụng hết khoản dự phòng đã trích lập, hạch toán ghi giảm chi phí:
Nợ TK 3524 – Dự phòng phải trả khác
Có TK642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp
Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích về trích lập dự phòng tiền lương.
Xem thêm các bài viết tại:
>>Tỷ lệ trích bảo hiểm theo lương năm mới nhất năm 2019
>>Quy định về lương tháng 13 mà doanh nghiệp cần lưu ý