Mỗi sinh viên trước khi ra trường đều phải trải qua quá trình thực tập. Báo cáo thực tập chính là bản ghi chép tổng kết lại quá trình, kỹ năng sinh viên tiếp thu và trải nghiệm được ở môi trường thực tế tại cơ sở thực tập. Bài viết sau sẽ hướng dẫn bạn viết Báo cáo thực tập kế toán một cách chi tiết nhất.
Yêu cầu của báo cáo thực tập kế toán
Một bản báo cáo thực tập tốt sẽ tạo được ấn tượng với đơn vị mình thực tập, đồng thời cũng đem lại số điểm mong muốn để sinh viên hoàn thành khóa tốt nghiệp của mình tại trường. Một bản báo cáo thực tập tốt cần đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Hệ thống hóa được một cách khái quát đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và tổ chức quản lý của đơn vị thực tập.
- Hệ thống hóa được đặc điểm tổ chức bộ máy kế toán và chính sách kế toán đơn vị thực tập áp dụng.
- Hệ thống và khái quát hóa được các phần hành kế toán cơ bản tại đơn vị thực tập.
- Thu thập tài liệu thực tế làm cơ sở cho việc nghiên cứu và chọn đề tài viết luận văn tốt nghiệp.
Nội dung của Báo cáo thực tập kế toán
Một bản Báo cáo thực tập thường chia thành 3 chương, gồm:
Chương 1: Tổng quan về đơn vị thực tập
Ở chương này, sinh viên cần trình bày một cách khái quát những thông tin cơ bản về đơn vị thực tập, không nên trình bày dài dòng, lan man. Cụ thể, sinh viên cần làm rõ các vấn đề như:
- Sơ lược về công ty: tên công ty, địa chỉ, mã số thuế.
- Quá trình hình thành và phát triển công ty.
- Đặc điểm tổ chức sản xuất kinh doanh: trình bày về đặc điểm sản phẩm sản xuất, hàng hóa kinh doanh, thị trường tiêu thụ,…
- Đặc điểm tổ chức quản lý tại công ty: mô tả về sơ đồ tổ chức bộ máy quản lý và nhiệm vụ của từng bộ phận.
- Đặc điểm tổ chức công tác kế toán tại công ty: tại phần này cần làm rõ đặc điểm tổ chức bộ máy kế toán và chính sách kế toán áp dụng tại công ty.
+ Đặc điểm tổ chức bộ máy kế toán: trình bày sơ đồ bộ máy kế toán. Cần làm rõ nhiệm vụ của từng cán bộ kế toán và mối quan hệ giữa phòng kế toán với các bộ phận chức năng khác trong công ty.
+ Chính sách kế toán áp dụng tại công ty: hình thức kế toán áp dụng là thủ công hay phần mềm, chế độ kế toán áp dụng, niên độ kế toán, đơn vị tiền tệ sử dụng,…
Chương 2: Những nội dung cơ bản về các phần hành kế toán tại đơn vị thực tập
Tại chương này, sinh viên trình bày khái quát kế toán các phần hành tại công ty. Điển hình là các phần hành sau:
- Kế toán vốn bằng tiền.
- Kế toán vật tư (doanh nghiệp sản xuất), kế toán hàng hóa (doanh nghiệp thương mại).
- Kế toán tài sản cố định.
- Kế toán tiền lương.
- Kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm (đối với doanhn nghiệp sản xuất).
- Kế toán bán hàng và xác định kết quả kinh doanh.
- Kế toán nguồn vốn.
- Lập và phân tích báo cáo tài chính.
Tại mỗi phần hành kế toán, sinh viên cần tập trung làm rõ đặc thù của từng phần hành kế toán theo các nội dung như:
- Nội dung, yêu cầu của từng phần hành kế toán.
- Chứng từ kế toán chủ yếu và các tài liệu liên quan làm cơ sở để ghi sổ của phần hành kế toán đó.
- Quy trình luân chuyển chứng từ thực tế tại công ty.
- Các tài khoản kế toán liên quan tới phần hành kế toán.
- Quy trình và phương pháp ghi sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết.
- Tổng hợp số liệu lập báo cáo quản trị và báo cáo tài chính.
Chương 3: Một số đánh giá và định hướng hoàn thiện công tác kế toán tại đơn vị thực tập
Trong chương này, sinh viên cần đưa ra các đánh giá, nhận xét về tổ chức bộ máy kế toán và công tác kế toán ở đơn vị thực tập theo 2 khía cạnh là ưu điểm và nhược điểm. Từ đó đề xuất một số định hướng nhằm hoàn thiện công tác kế toán ở đơn vị thực tập.
Trên đây là hướng dẫn viết Báo cáo thực tập kế toán cho sinh viên sắp ra trường. Báo cáo thực tập là tiền đề để sinh viên xây dựng và hoàn thiện luận văn tốt nghiệp của mình. Mời bạn tham khảo và theo dõi. Chúc các bạn thành công.
Xem thêm:
Giải đáp băn khoăn của sinh viên Kế toán: chọn Kế – Kiểm hay Thuế?
Trăn trở muôn thuở của sinh viên kế toán: Học xong ra trường làm gì?
Mời tải về mẫu nhật ký thực tập tốt nghiệp kế toán
Bảo vệ khóa luận tốt nghiệp kế toán và những sai lầm thường gặp