Thuế Thuế thu nhập doanh nghiệp Chênh lệch tạm thời chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

Chênh lệch tạm thời chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

2764

Trong bài viết này, Ketoan.vn sẽ cùng các bạn tìm hiểu chênh lệch tạm thời chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là gì và phương pháp nhận dạng các khoản chênh lệch tạm thời được quy định trong chuẩn mực kế toán nhé.

Tax alphabet with stack of coin and vintage alarm clock Premium Photo

1. Chênh lệch tạm thời chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

Thuế thu nhập hoãn lại phải trả phải được ghi nhận cho tất cả các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế, trừ khi nợ thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh từ ghi nhận ban đầu của một tài sản hay nợ phải trả của một giao dịch mà giao dịch này không có ảnh hưởng đến lợi nhuận kế toán hoặc lợi nhuận tính thuế thu nhập (hoặc lỗ tính thuế) tại thời điểm phát sinh giao dịch,.

Cơ sở của việc ghi nhận một tài sản là giá trị ghi sổ của tài sản đó sẽ được thu hồi thông qua hình thức doanh nghiệp sẽ nhận được lợi ích kinh tế trong tương lai. Khi giá trị ghi sổ của tài sản vượt quá cơ sở tính thuế thu nhập của nó thì giá trị của lợi ích kinh tế phải chịu thuế thu nhập sẽ vượt quá giá trị sẽ được phép khấu trừ cho mục đích tính thuế. Đây là chênh lệch tạm thời chịu thuế và nghĩa vụ phải trả cho khoản thuế thu nhập do chênh lệch này tạo ra trong tương lai chính là thuế thu nhập hoãn lại phải trả.

Khi doanh nghiệp thu hồi giá trị sổ của tài sản đó thì khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế sẽ hoàn nhập và doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận chịu thuế thu nhập. Lợi ích kinh tế của doanh nghiệp sẽ bị giảm đi do phải nộp thuế thu nhập.

Ví dụ:

Một tài sản cố định có nguyên giá là 150, giá trị còn lại là 100. Khấu hao luỹ kế cho mục đích tính thuế thu nhập là 90 và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 28%.

Cơ sở tính thuế thu nhập của tài sản là 60 (nguyên giá 150 trừ khấu hao luỹ kế cho mục đích tính thuế 90). Để thu hồi giá trị ghi sổ 100 này; doanh nghiệp phải có thu nhập chịu thuế là 100; nhưng chỉ có thể có khấu hao cho mục đích tính thuế là 60.

Do vậy; doanh nghiệp sẽ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 11,2 (28% của 40) khi doanh nghiệp thu hồi giá trị ghi sổ của tài sản này. Chênh lệch giữa giá trị ghi sổ 100 và cơ sở tính thuế 60 là khoản chênh lệch tạm thời phải chịu thuế 40. Vì vậy; doanh nghiệp ghi nhận một khoản nợ thuế thu nhập hoãn lại phải trả là 11,2 thể hiện phần thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp sẽ phải nộp khi doanh nghiệp thu hồi được giá trị ghi sổ của tài sản.

2. Phương pháp nhận dạng các khoản chênh lệch:

a. Phương pháp nhận dạng theo định tính (theo ý nghĩa kinh tế):

  • Khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp năm hiện tại gánh nặng hơn so với các năm trong tương lai: Đây là khoản “Chênh lệch tạm thời được khấu trừ”.
  • Khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp năm hiện tại giảm nhẹ hơn so với các năm trong tương lai: Đây là khoản “Chênh lệch tạm thời chịu thuế”.

b. Phương pháp nhận dạng theo định lượng (theo kết quả hoạt động):

– Khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Lợi nhuận kế toán trước thuế < (nhỏ hơn) Thu nhập tính thuế: Đây là khoản “Chênh lệch tạm thời được khấu trừ”. Trường hợp này xảy ra khi:

  • Nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Doanh thu, thu nhập (kế toán) < Doanh thu, thu nhập (Thuế); Hoặc
  • Nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Chi phí (kế toán) > Chi phí (Thuế);

– Khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Lợi nhuận kế toán trước thuế > (lớn hơn) Thu nhập tính thuế: Đây là khoản “Chênh lệch tạm thời chịu thuế”. Trường hợp này xảy ra khi:

  • Nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Doanh thu, thu nhập (kế toán) > Doanh thu, thu nhập (Thuế); Hoặc
  • Nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Chi phí (kế toán) < Chi phí (Thuế).

Tại doanh nghiệp; khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh căn cứ theo chứng từ; kế toán dùng phương pháp trên để nhận dạng và xác định được các khoản chênh lệch tạm thời phát sinh giữa Kế toán và Thuế. Sau đó; kế toán sẽ xác định thuế TNDN hoãn lại như sau:

Tài sản thuế hoãn lại = Chênh lệch tạm thời được khấu trừ x Thuế suất thuế TNDN

Căn cứ vào kết quả tính toán được, kế toán phản ánh “Tài sản thuế hoãn lại” phát sinh như sau:
Nợ TK 243 “Tài sản thuế hoãn lại”
Có TK 8212 “Chi phí thuế TNDN hoãn lại”

Thuế hoãn lại phải trả = Chênh lệch tạm thời chịu thuế x Thuế suất thuế TNDN

Căn cứ vào kết quả tính toán được, kế toán phản ánh “Thuế hoãn lại phải trả” phát sinh như sau:
Nợ TK 8212 “Chi phí thuế TNDN hoãn lại”
Có TK 347 “Thuế thu nhập hoãn lại phải trả”

Xem thêm

Hướng dẫn xác định thuế cho doanh nghiệp: GTGT, TNCN, TNDN, XNK

Cần điều kiện nào để được giảm trừ 30% thuế TNDN năm 2020?

Xác định thuế TNDN có những khoản chi phí hợp lý được trừ nào?

Hướng dẫn cách nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN qua mạng

Tải về Nghị định 114/2020/NĐ-CP giảm 30% thuế TNDN của năm 2020