Đọc và phân tích báo cáo tài chính là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi kế toán và lãnh đạo doanh nghiệp. Để phân tích một cách chính xác cần phải hiểu rõ về từng loại báo cáo cũng như ý nghĩa và cách sử dụng chúng.
I. Tổng quan về báo cáo tài chính
1. Định nghĩa
Báo cáo tài chính là những văn bản dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, từ đó thể hiện được hiệu suất tài chính, sức khỏe tài chính và dòng tiền của công ty. Báo cáo tài chính giúp đáp ứng các yêu cầu quản lý của doanh nghiệp và những nhu cầu hữu ích của người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Một báo cáo tài chính phải có đầy đủ các thông tin của một doanh nghiệp về:
- Tài sản
- Nợ phải trả
- Vốn chủ sở hữu
- Doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác
- Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh
- Các luồng tiền
2. Ý nghĩa của báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính là một phương tiện cung cấp cái nhìn tổng quan và chính xác nhất về hiệu suất và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Chính vì thế mà báo cáo tài chính có thể được các cổ đông và nhà đầu tư sử dụng để so sánh các công ty với nhau. Ngoài ra nó còn có thể đánh giá được hiệu suất của doanh nghiệp theo thời gian qua từng kỳ báo cáo.
II. Các loại báo cáo tài chính
Một hệ thống báo cáo tài chính bắt buộc phải có 3 loại báo cáo chính sau: báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
1. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Báo cáo kết quả hoat động kinh doanh còn có tên gọi khác là báo cáo thu nhập hay báo cáo kết quả lãi và lỗ (profit & loss). Bản báo cáo này thể hiện các khoản lỗ hoặc lãi của doanh nghiệp và liệt kê tất cả thu nhập, chi phí bán hàng và chi phí hoạt động sau một kỳ kế toán. Nó còn được sử dụng như một bảng hướng dẫn để định hướng các hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tiếp theo.
Báo cáo kết quả kinh doanh gồm 2 phần: Lãi lỗ và tình hình thực hiện nghĩa vụ với nhà nước. Trong đó phần lãi lỗ bao gồm:
- Doanh thu hoặc doanh số lớn nhất: gồm tổng doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại và doanh thu thuần.
- Giá vốn hàng bán: là tất cả những chi phí dùng để mua hàng và sản xuất, được trừ vào doanh thu và đem lại kết quả là lợi nhuận gộp.
- Chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh: gồm chi phí lưu thông và chi phí quản lý
- Lãi hoặc lỗ: phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ đã tốt hay chưa
Phần còn lại của báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là hình thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước. Phần này bao gồm các chỉ tiêu phản ánh nghĩa vụ đối với nhà nước của doanh nghiệp, cùng với các khoản như thuế, BHXH, BHYT, kinh phí công đoàn,…
2. Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán là bản tóm tắt các số dư tài chính của doanh nghiệp, từ đó phản ánh nhanh tình trạng sức khỏe tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm duy nhất trong năm. Bảng cân đối kế toán cân đối tài sản của doanh nghiệp, liệt kê các tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu vào một ngày cụ thể.
Một bảng cân đối kế toán gồm các nội dung được trình bày theo cấu trúc sau:
Trong đó, tài sản ngắn hạn bao gồm tiền mặt, các khoản cần phải thu và hàng tồn kho; tài sản dài hạn gồm nhà cửa, máy móc, phương tiện và cả tài sản vô hình.
Bên cạnh đó, nợ ngắn hạn là số tiền phải trả trong 12 tháng kế tiếp, bao gồm các khoản cần trả và khoản vay ngắn hạn. Nợ dài hạn gồm các khoản vay ngân hàng dài hạn, cho thuê phương tiện đi lại và các khoản thế chấp.
Các số liệu trên bảng cân đối được xác định theo nguyên tắc:
Tổng tài sản = Tổng nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu
3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ tổng hợp lại tình hình thu, chi tiền tệ của doanh nghiệp dựa trên các hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính trong một kỳ kế toán. Báo cáo này cung cấp những số liệu, thông tin giúp doanh nghiệp đánh giá được cơ cấu tài chính, khả năng tạo ra luồng tiền, tính thanh khoản và khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Ý nghĩa của báo cáo lưu chuyển tiền tệ là để xem xét và dự đoán khả năng về số lượng và độ tin cậy của các luồng tiền trong tương lai. Nó còn được dùng để kiểm tra lại những đánh giá trước đây về luồng tiền hay mối quan hệ giữa khả năng sinh lời với lượng lưu chuyển tiền thuần và những tác động của thay đổi giá.
Như vậy, sau khi hiểu rõ về từng loại báo cáo tài chính thì các kế toán và lãnh đạo doanh nghiệp đã có thể đọc và phân tích báo cáo một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Việc này không chỉ hữu ích với người sử dụng mà còn giúp định hướng và dự đoán được các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai, từ đó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và mang lại những giá trị to lớn cho xã hội.
>> Hướng dẫn chi tiết cách đọc và phân tích báo cáo tài chính