Chiến lược nhân sự là một trong những chiến lược quan trọng của doanh nghiệp. Vậy thì chiến lược nhân sự là gì? Xây dựng chiến lược nhân sự như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu tại bài viết dưới đây.
Chiến lược nhân sự là gì?
Chiến lược nhân sự là một trong những chiến lược quan trọng của doanh nghiệp. Chiến lược nhân sự được hiểu đơn giản là hệ thống các chính sách và hoạt động nguồn nhân lực được lập ra cho các nhóm công việc với mục đích thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp. Nhân lực chính là yếu tố trung tâm của chiến lược nhân sự.
Mô hình xây dựng chiến lược nhân sự
Một mô hình xây dựng chiến lược nhân sự là một quá trình thường trải qua 5 bước sau:
Bước 1: Phân tích xu hướng của ngành kinh doanh
Xu hướng phát triển của ngành là một nhân tố quan trọng để dự báo nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp. Khi phân tích xu hướng ngành, bạn cần quan tâm những điểm như: xu hướng tăng trưởng, xu hướng thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng và sự cạnh tranh của các đối thủ. Cụ thể như sau:
– Xu hướng tăng trưởng: lý do phải phân tích xu hướng tăng trưởng của ngành là do nó có ảnh hưởng đến sự thừa hoặc thiếu nguồn nhân lực trong tương lai. Nếu ngành tăng trưởng cao thì dễ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực, tạo sự canh tranh gay gắt trên thị trường lao động do các doanh nghiệp mở rộng quy mô. Nhưng ngược lại, với những ngành có xu hướng tăng trưởng thấp thường diễn ra việc cắt giảm nhân sự. Lý do là vì các doanh nghiệp có xu hướng sáp nhập, tái cơ cấu để giảm bớt chi phí.
– Xu hướng thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng: sự thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh cũng như chiến lược kinh doanh. Điều này ảnh hưởng đến sự thay đổi về yêu cầu đối với nhân lực của doanh nghiệp.
– Sự cạnh tranh của các đối thủ cùng ngành: sự cạnh tranh trong ngành bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố trên: xu hướng tăng trưởng và xu hướng thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng. Sự thay đổi trong cạnh tranh giữa các đối thủ có thể khiến doanh nghiệp buộc phải thay đổi yêu cầu về năng lực của nguồn nhân lực trong doanh nghiệp.
Bước 2: Phân tích định hướng, chuỗi giá trị và các quy trình cốt lõi
Việc phân tích định hướng, chuỗi giá trị và quy trình cốt lõi của doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp dự báo nguồn nhân lực, phân loại nguồn nhân lực và xác định được yêu cầu tương ứng với mỗi nhóm nhân lực.
Phân tích định hướng của doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần làm rõ những vấn đề sau đây khi phân tích định hướng của doanh nghiệp trong tương lai:
- Mục tiêu của định hướng, chiến lược mà doanh nghiệp đang hướng tới: doanh nghệp muốn hướng tới tăng trưởng ổn định hay tái cấu trúc, cắt giảm quy mô,….
- Lĩnh vực kinh doanh doanh nghiệp cần duy trì, chấm dứt hay làm mới.
- Phạm vi kinh doanh.
- Xác định rõ lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp là giá thành, chất lượng hay mẫu mã,…
Xác định chuỗi giá trị và các quy trình cốt lõi
Việc xác định chuỗi giá trị và quy trình cốt lõi của doanh nghiệp là công việc cần thiết để xác định các yêu cầu về năng lực của nhân sự.
Chuỗi giá trị là một tập hợp các hoạt động mà doanh nghiệp thực hiện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ trong một ngành kinh doanh nhất định. Các ngành nghề khác nhau sẽ có chuỗi giá trị khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm của từng ngành. Yếu tố tạo nên sự khác biệt này chính là các quy trình cốt lõi, cụ thể là vị trí của các hoạt động lõi và thuộc tính của hoạt động.
Ví dụ như, nếu lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp bạn là sự nổi trội về chất lượng sản phẩm (tức chiến lược kinh doanh thiên về chất lượng sản phẩm) thì hoạt động cốt lõi sẽ là tiếp thị, quảng bá. Mặt khác, nếu lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp bạn là giá thành thấp, thì hoạt động cốt lõi sẽ là hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Bước 3: Phân loại các nhóm nhân lực (mô hình ma trận giá trị)
Với mỗi chiến lược kinh doanh, yêu cầu về năng lực đối với nhân sự là khác nhau. Vì vậy, việc phân loại nhân lực giúp doanh nghiệp có nguồn lực để đáp ứng cho các chiến lược kinh doanh khác nhau.
Một trong nhiều cách để phân loại các nhóm nhân lực là sử dụng Ma trận giá trị. Mô hình này do Lepak và Snell công bố vào năm 1999. Theo mô hình này, việc phân loại nguồn nhân lực dựa trên giá trị đóng góp và tính duy nhất của nhân lực.
Phân loại các nhóm nhân lực
Theo đó, doanh nghiệp trước hết cần xác định các nhóm nhân lực chính yếu, bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
– Nếu chuỗi giá trị trong công ty bạn tương đối ổn định, nhóm nhân lực nào quan trọng nhất đối với việc thực hiện hiệu quả mỗi phần của chuỗi giá trị?
– Nếu ngành của công ty bạn đang thay đổi và sự thay đổi này ảnh hưởng đến chuỗi giá trị của công ty, nhóm nhân lực nào trong mỗi phần của chuỗi giá trị sẽ cần phải thay đổi?
– Đối với mỗi nhóm nhân lực xác định ở trên, mức độ duy nhất của các kỹ năng thế nào? Nhóm nhân lực này có thể tuyển được từ thị trường lao động hay rất khó tìm được? Các nhóm này cần phải được tuyển vào tổ chức hay có thể ký hợp đồng hợp tác để tiếp cận các kỹ năng của họ?
Bốn nhóm nhân lực chính
Đến đây, chúng ta sẽ có một ma trận giá trị gồm bốn nhóm nhân lực: nhóm nhân lực chiến lược, cốt lõi, liên kết và nhóm nhân lực hỗ trợ.
– Nhóm nhân lực chiến lược: đây là nhóm nhân lực thường được tuyển dụng từ nội bộ và được coi là những người cốt lõi do tính giá trị và tính duy nhất cao.
– Nhóm nhân lực cốt lõi: đây là nhóm nhân lực được tuyển dụng từ nội bộ nhưng không có tính duy nhất do có thể tuyển trên thị trường lao động.
– Nhóm nhân lực liên kết: đây là nhóm nhân lực được tuyển dụng từ bên ngoài nhưng khó tìm được trên thị trường lao động.
– Nhóm nhân lực hỗ trợ: đây là nhóm nhân lực được tuyển dụng từ bên ngoài và dễ dàng tìm được trên thị trường lao động.
Trên đây là một trong những mô hình xây dựng chiến lược nhân sự tốt nhất và được sử dụng phổ biến. Mời bạn đọc tham khảo và áp dụng cho doanh nghiệp của mình. Chúc các bạn thành công.