Theo tác giả TS. Trịnh Lê Tân – Khoa Đào tạo quốc tế, ThS. Đào Thị Đài Trang- Khoa Kế toán – Đại học Duy Tân. Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính ngày 27/01/2020.
Báo cáo tài chính là sản phẩm của kế toán tài chính, là đầu ra của hệ thống thông tin kế toán. Mục đích của báo cáo tài chính là cung cấp thông tin tài chính hữu ích về doanh nghiệp cho các nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng, người cho vay và các chủ nợ khác trong việc đưa ra quyết định về việc cung cấp nguồn lực cho doanh nghiệp (IASB, 2010a). Một báo cáo tài chính hữu ích là báo cáo tài chính có những đặc điểm chất lượng bắt buộc, đồng thời đặc điểm chất lượng này còn bị ảnh hưởng bởi các nhân tố cơ bản và bổ sung. Bài viết đề cập tới đặc điểm chất lượng của báo cáo tài chính đồng thời đi vào tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng tới báo cáo tài chính.
Đặc điểm chất lượng của báo cáo tài chính
Theo Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) và Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Tài chính (FASB), các đặc điểm chất lượng của thông tin tài chính hữu ích được phân ra thành các đặc điểm chất lượng cơ bản và các đặc điểm chất lượng bổ sung.
Các đặc điểm chất lượng cơ bản gồm: Thích hợp và trình bày trung thực; Các đặc điểm chất lượng bổ sung gồm: Có thể so sánh; có thể kiểm chứng; kịp thời và có thể hiểu.
Các đặc điểm chất lượng cơ bản
Thích hợp:
Để thích hợp, thông tin kế toán phải có khả năng tạo ra sự khác biệt trong việc ra quyết định của đối tượng sử dụng thông tin. Theo đó, “nó phải có giá trị dự đoán, giá trị xác nhận, hoặc cả hai” (IASB, 2010a).
Thông tin tài chính có giá trị dự đoán nếu nó có thể được sử dụng như một dữ liệu đầu vào cho người sử dụng dự đoán kết quả tương lai. Thông tin tài chính có giá trị xác nhận nếu nó cung cấp thông tin phản hồi về các đánh giá trước đó.
Giá trị dự đoán và giá trị xác nhận của thông tin tài chính liên quan đến nhau. Thông tin có giá trị dự đoán thường có giá trị xác nhận.
Trình bày trung thực:
Thông tin được trình bày trung thực khi nó mô tả đầy đủ, trung lập và không mắc lỗi (IASB, 2010a). Thông tin đầy đủ bao gồm tất cả các thông tin cần thiết cho người sử dụng hiểu được các hiện tượng, bao gồm tất cả các mô tả và giải thích cần thiết.
Đối với một số khoản mục, thông tin đầy đủ cũng đòi hỏi có sự giải thích các sự kiện quan trọng về chất lượng và tính chất của khoản mục, các yếu tố và điều kiện ảnh hưởng đến bản chất của khoản mục.
Thông tin trung lập khi không có sự thiên vị trong việc lựa chọn hoặc trình bày, không bị thiên lệch nhằm đạt đến một kết quả định trước hay chịu ảnh hưởng của một thái độ cá biệt.
Trình bày trung thực không có nghĩa là chính xác trong tất cả các khía cạnh. Không mắc lỗi có nghĩa là không có sai sót hoặc thiếu sót trong các mô tả và quy trình soạn thảo thông tin.
Các đặc điểm chất lượng bổ sung
Có thể so sánh, có thể kiểm chứng, kịp thời và có thể hiểu là những đặc điểm chất lượng nhằm nâng cao tính hữu ích của thông tin thích hợp và được trình bày trung thực tại báo cáo tài chính (BCTC).
Có thể so sánh:
Thông tin về một doanh nghiệp (DN) sẽ hữu ích hơn nếu nó có thể được so sánh với thông tin tương tự ở DN khác hoặc ở cùng một DN trong các kỳ khác nhau. Có thể so sánh cho phép người sử dụng phân biệt và hiểu sự giống nhau hay có khác nhau về các khoản mục (IASB, 2010a).
Có thể so sánh liên quan đến sự nhất quán, nhưng chúng không phải là một. Sự nhất quán đề cập đến việc sử dụng các phương pháp giống nhau cho các các khoản mục tương tự nhau. Có thể so sánh là mục tiêu, còn nhất quán là điều kiện để đạt được mục tiêu đó.
Có thể kiểm chứng:
Có thể kiểm chứng giúp đảm bảo với người sử dụng rằng những thông tin trình bày trung thực đối với các hiện tượng kinh tế. Có thể kiểm chứng có nghĩa là những người quan sát và đánh giá đủ năng lực và độc lập khác nhau có thể đạt được sự đồng thuận, mặc dù không phải là hoàn toàn về việc thông tin được trình bày trung thực. Kiểm chứng có thể được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp.
Kịp thời:
Kịp thời có nghĩa là có thông tin có sẵn cho người sử dụng ra quyết định đúng lúc. Thông tin cũ thì kém hữu ích hơn, nếu báo cáo chậm trễ thì thông tin sẽ mất đi tính thích hợp. Tuy nhiên, một số thông tin có thể vẫn hữu ích lâu sau khi kết thúc kỳ báo cáo, bởi vì người sử dụng cần các thông tin để xác định và đánh giá xu hướng phát triển.
Có thể hiểu:
Thông tin có thể hiểu nếu nó được phân loại, mô tả và trình bày rõ ràng, xúc tích. BCTC được trình bày cho người sử dụng là những người có những kiến thức nhất định về kinh doanh và hoạt động kinh tế cũng như có khả năng nhất định trong đánh giá và phân tích thông tin. Việc loại trừ những thông tin này ra khỏi BCTC có thể làm cho thông tin dễ hiểu hơn, tuy nhiên, điều này làm cho báo cáo trở nên không đầy đủ và do vậy, có thể gây hiểu nhầm.
Các nhân tố tác động đến báo cáo tài chính
Ảnh hưởng môi trường là chìa khóa để giải thích hệ thống kế toán của một quốc gia. Nói cách khác, kế toán là sản phẩm của môi trường của nó, nghĩa là, “nó được hình thành, phản ánh và củng cố đặc điểm riêng độc đáo với môi trường quốc gia của mình”.
Với góc độ nhận diện sự tồn tại và tác động của các nhân tố tác động đến hệ thống kế toán và BCTC bài viết tập trung xem xét 5 nhóm nhân tố tác động đáng kể đến hệ thống kế toán và BCTC, bao gồm: Nhân tố kinh tế; nhân tố chính trị; nhân tố pháp lý; nhân tố văn hóa và quá trình toàn cầu hóa.
Nhân tố kinh tế
Sự phát triển của kế toán là một quá trình phụ thuộc và đan xen với phát triển kinh tế. Nói cách khác, môi trường kinh tế có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của kế toán (Zhang, 2005).
Các yếu tố đặc trưng của một nền kinh tế, như: Cơ chế quản lý, hình thức sở hữu chủ đạo (tư nhân, nhà nước, nước ngoài), định hướng phát triển (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tri thức), đặc điểm sản xuất kinh doanh, quy mô, đặc điểm của thị trường hàng hoá…
Cùng với hình thức kinh doanh chiếm ưu thế và phổ biến trong hoạt động của các DN, sẽ tác động đến các chính sách kế toán và đối tượng kế toán, nhằm làm tương thích với bản chất các quan hệ kinh tế, đáp ứng yêu cầu ghi nhận, xử lý và cung cấp thông tin.
Nguồn cung ứng tài chính sẽ quyết định đối tượng chủ yếu sử dụng thông tin tài chính và do vậy, quyết định đặc điểm của thông tin tài chính được cung cấp.
Nhân tố chính trị
Hệ thống chính trị xác định cơ chế kinh tế của một quốc gia, vì vậy, xác định mô hình kế toán cho nền kinh tế quản lý tập trung phải khác với hệ thống kế toán tối ưu cho một nền kinh tế thị trường. Nhân tố này còn được đề cập dạng các thể chế chính trị trong đó Nhà nước can thiệp nhiều hay ít vào nền kinh tế.
Hệ thống chính trị cũng phát triển ra bên ngoài và du nhập các chuẩn mực và thông lệ kế toán. Chẳng hạn như: Đức đã sử dụng chính trị để ảnh hưởng đến kế toán tại Nhật Bản và Thụy Điển. Trong những năm gần đây, nhân tố chính trị còn được đề cập dưới dạng các chính sách của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Nhân tố pháp lý
Môi trường pháp lý có tác động mạnh mẽ đến hệ thống kế toán và BCTC tại các quốc gia. Doupnik và Salter (1992) đã nghiên cứu tác động của hệ thống pháp luật trên sự phát triển của hệ thống kế toán tại các quốc gia khác nhau.
Họ đưa ra giả thuyết rằng, sự khác biệt về hệ thống pháp luật của các nước khác nhau có thể giải thích sự khác biệt trong sự phát triển của hệ thống kế toán. Các nhân tố chủ yếu của môi trường pháp lý tác động đến hệ thống kế toán bao gồm: Hệ thống pháp luật; vai trò của Nhà nước và tổ chức nghề nghiệp; và pháp luật về thuế.
Điển luật là hệ thống pháp luật có nền tảng từ hệ thống pháp luật của Pháp, Đức, hiện được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc điểm của nó là sử dụng luật thành văn, dưới dạng các văn bản quy phạm pháp luật. Trong lĩnh vực kế toán, việc soạn thảo và trình bày BCTC được quy định chi tiết trong các đạo luật, thường là Luật Công ty hay Luật Thương mại.
Nhân tố văn hóa
Hofstede (1984) đã đưa ra 5 yếu tố văn hóa quan trọng để giải thích sự tương đồng và khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia trên thế giới bao gồm: Chủ nghĩa cá nhân; khoảng cách quyền lực; sự tránh né những vấn đề chưa rõ ràng; nam tính và định hướng dài hạn.
Trên cơ sở đó, Gray (1988) đã đưa ra 4 giá trị kế toán có liên quan đến 5 yếu tố trên bao gồm: Phát triển nghề nghiệp và kiểm soát theo luật định; thống nhất và linh hoạt; thận trọng và lạc quan; bảo mật và công khai.
Quá trình toàn cầu hóa
Quá trình hòa hợp khu vực và quốc tế trong những năm gần đây cũng có những tác động đáng kể đến hệ thống kế toán và BCTC của các quốc gia. Kết quả của tiến trình toàn cầu hóa là sự gia tăng tính phụ thuộc của các quốc gia trong các luồng đầu tư và thương mại quốc tế, các quyết định về phân bổ nguồn lực, giá cả, các giao dịch quốc tế.
Friedman (2005), trong “Thế giới phẳng” đã chỉ rõ, toàn cầu hóa đã thúc đẩy việc phát triển các quá trình kinh doanh được tiêu chuẩn hóa. Như vậy, quá trình toàn cầu đã dẫn đến nhu cầu phải có một tiêu chuẩn thống nhất trình bày và công bố thông tin về BCTC. Kết quả tất yếu của yêu cầu này là quá trình hòa hợp và hội tụ kế toán giữa các quốc gia trên thế giới.
Một số nhận xét
Thứ nhất,
Kế toán và sự phát triển của hệ thống kế toán và BCTC không tách rời mà phản ánh và tác động của môi trường kinh tế, chính trị, pháp lý và văn hóa tại mỗi quốc gia và khu vực. Các nhân tố này không độc lập mà có mối quan hệ với nhau khá chặt chẽ.
Chẳng hạn, các quốc gia theo điển chế luật phần lớn có thị trường vốn không mạnh và kế toán có mối quan hệ với thuế, các giá trị kế toán thiên về hướng thận trọng, bảo mật, thống nhất và tuân thủ.
Ngược lại, các quốc gia theo hướng thông luật có nguồn cung cấp vốn chủ yếu từ thị trường vốn, không có quan hệ chặt chẽ giữa kế toán và thuế, các giá trị kế toán thiên về hướng minh bạch, linh hoạt và phát triển nghề nghiệp.
Thứ hai,
Quá trình toàn cầu hóa trong những năm gần đây trở thành một nhân tố quan trọng, tác động mạnh đến hệ thống kế toán và BCTC của các quốc gia. Quá trình này một mặt tác động đến các nhân tố kinh tế, văn hóa, pháp lý, một mặt tạo ra nhu cầu phải có một tiêu chuẩn thống nhất trong trình bày và công bố thông tin về BCTC.
Quá trình hòa nhập khu vực và quốc tế tuy không phải là nhân tố trực tiếp, song nó là yếu tố gián tiếp có tác động quan trọng đến hệ thống kế toán và BCTC tại nhiều quốc gia.
Thứ ba,
Việc xác định các nhân tố, phạm vi ảnh hưởng và khả năng tác động của nó đến hệ thống kế toán và BCTC cần được xem xét trong những điều kiện cụ thể của quá trình phát triển hệ thống kế toán tại từng quốc gia. Bởi lẽ, bản thân các nhân tố này thường xuyên thay đổi, có mối quan hệ đan xen với nhau và với nhiều nhân tố khác.
Tóm lại, bản chất của BCTC là đầu ra của hệ thống thông tin kế toán, cung cấp thông tin cho những người có quan hệ lợi ích với DN trong việc ra các quyết định kinh tế. Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế, việc nghiên cứu các khái niệm, các luận điểm về BCTC cũng như quá trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế đối với hệ thống kế toán và BCTC tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam có ý nghĩa quan trọng. Nghiên cứu này giúp hình thành một góc nhìn khách quan và khoa học, làm cơ sở đánh giá đúng thực trạng và đề ra các quan điểm, giải pháp phát triển, hoàn thiện hệ thống BCTC DN.
Xem thêm
Tải về mẫu Báo cáo tổng hợp quyết toán dự án hoàn thành
Tải về miễn phí mẫu Công văn đề nghị thanh toán công nợ
Mời tải về mẫu Bảng kê chi tiền ban hành theo Thông tư 200
Tải về miễn phí mẫu Thư xác nhận công nợ phục vụ kiểm toán
Tải miễn phí mẫu Sổ tài sản cố định theo Thông tư 200/2014/TT-BTC