Nghiệp Vụ old Cách lập Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo mẫu...

Cách lập Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo mẫu B02-DN

1446
Mục lục Hiển thị

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là tài liệu phản ánh kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong năm. Mời bạn đọc tham khảo và tải về cách lập Báo cáo này tại bài viết dưới đây.

Nguồn tham khảo: Hướng dẫn từng bước lập Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

I. Nội dung, kết cấu, cơ sở lập Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

1. Nội dung

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (BCKQHĐKD) phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo này bao gồm các kết quả kinh doanh từ:

  • Hoạt động kinh doanh chính.
  • Hoạt động tài chính.
  • Hoạt động khác của doanh nghiệp.

2. Kết cấu

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh gồm 5 cột. Nội dung các cột như sau:

  • Các chỉ tiêu báo cáo.
  • Mã số của các chỉ tiêu tương ứng.
  • Số hiệu tương ứng với các chỉ tiêu của báo cáo này được thể hiện chỉ tiêu trên Bản thuyết minh Báo cáo tài chính.
  • Tổng số phát sinh trong kỳ báo cáo năm.
  • Số liệu của năm trước.

3. Cơ sở lập báo cáo

Để lập BCKQHĐKD, kế toán cần căn cứ vào các tài liệu sau:

  • BCKQHĐKD năm trước.
  • Sổ kế toán tổng hợp và chi tiết trong kỳ.

II. Tải về Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh mẫu số B02-DN

BCKQHĐKD mẫu số B02-DN được ban hành kèm theo theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC. Mời bạn đọc tham khảo và tải về TẠI ĐÂY.

III. Phương pháp lập các chỉ tiêu trong BCKQHĐKD

1. Mã số 01 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

– Chỉ tiêu này phản ánh tổng doanh thu trong năm báo cáo của doanh nghiệp từ các hoạt động sau:

  • Doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm, bất động sản đầu tư.
  • Doanh thu cung cấp dịch vụ.
  • Doanh thu khác.

– Căn cứ để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh bên Có của Tài khoản 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ”.

– Chỉ tiêu này không bao gồm các loại thuế gián thu. Ví dụ như thuế GTGT, kể cả thuế GTGT nộp theo phương pháp trực tiếp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế, phí gián thu khác.

2. Mã số 02 – Các khoản giảm trừ doanh thu

– Chỉ tiêu này phản ánh tổng hợp các khoản được ghi giảm vào tổng doanh thu trong năm. Bao gồm các khoản sau:

  • Chiết khấu thương mại.
  • Giảm giá hàng bán.
  • Hàng bán bị trả lại.

– Căn cứ để ghi chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh bên Nợ TK 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” đối ứng với bên Có TK 521 “Các khoản giảm trừ doanh thu”.

– Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản thuế gián thu, phí mà doanh nghiệp không được hưởng phải nộp NSNN. Các khoản này tuy được kế toán ghi giảm doanh thu trên sổ kế toán TK 511 nhưng về bản chất đây là các khoản thu hộ Nhà nước.

3. Mã số 10 – Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ

Chỉ tiêu này được tính như sau:

Mã số 10 = Mã số 01 – Mã số 02.

4. Mã số 11 – Giá vốn hàng bán

Chỉ tiêu này phản ánh tổng giá vốn của:

  • Hàng hóa.
  • BĐS đầu tư.
  • Giá thành sản xuất của thành phẩm đã bán.
  • Chi phí trực tiếp của khối lượng dịch vụ hoàn thành đã cung cấp.
  • Chi phí khác được tính vào giá vốn hoặc ghi giảm giá vốn hàng bán trong kỳ báo cáo.

– Căn cứ để ghi chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh bên Có của Tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán” đối ứng bên Nợ của Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.

5. Mã số 20 – Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ

Chỉ tiêu này được tính như sau:

Mã số 20 = Mã số 10 – Mã số 11.

6. Mã số 21 – Doanh thu hoạt động tài chính

– Chỉ tiêu này phản ánh doanh thu hoạt động tài chính thuần phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp.

– Căn cứ để ghi chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh Nợ của Tài khoản 515 “Doanh thu hoạt động tài chính” đối ứng với bên Có TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.

7. Mã số 22 – Chi phí tài chính

– Chỉ tiêu này phản ánh chi phí tài chính phát sinh trong kỳ bào cáo của doanh nghiệp. Bao gồm:

  • Tiền lãi vay phải trả.
  • Chi phí bản quyền.
  • Chi phí hoạt động liên doanh
  • Chi phí tài chính khác.

– Căn cứ để ghi chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh bên Có TK 635 “Chi phí tài chính” đối ứng với bên Nợ TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.

8. Mã số 23 – Chi phí lãi vay

Đây là chỉ tiêu phản ánh chi phí lãi vay phải trả tính vào chi phí tài chính trong kỳ báo cáo. Căn cứ để ghi vào chỉ tiêu này là số liệu trên Sổ kế toán chi tiết Tài khoản 635.

9. Mã số 25 – Chi phí bán hàng 

Chỉ tiêu này phản ánh các chi phí bán hàng hóa, thành phẩm, dịch vụ đã cung cấp phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp. Căn cứ để ghi chỉ tiêu này là tổng số phát sinh bên Có của Tài khoản 641 “Chi phí bán hàng” đối ứng với bên Nợ của Tài khoản 911.

10. Mã số 26 – Chi phí quản lý doanh nghiệp

Đây là chỉ tiêu phản ánh chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ báo cáo. Căn cứ ghi chỉ tiêu này là tổng số phát sinh bên Có của Tài khoản 642 “Chi phí quản lý doanh nghiệp”, đối ứng với bên Nợ của Tài khoản 911.

11. Mã số 30 – Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh

Đây là chỉ tiêu phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được tính như sau:

Mã số 30 = Mã số 20 + (Mã số 21 – Mã số 22) – Mã số 25 – Mã số 26.

12. Mã số 31 – Thu nhập khác

Chỉ tiêu “Thu nhập khác” phản ánh các khoản thu nhập khác phát sinh trong kỳ báo cáo. Căn cứ để ghi vào chỉ tiêu này là tổng số phát sinh bên Nợ của Tài khoản 711 “Thu nhập khác” đối ứng với bên Có của Tài khoản 911.

13. Mã số 32 – Chi phí khác

Chỉ tiêu “Chi phí khác” phản ánh các khoản chi phí khác phát sinh trong kỳ báo cáo. Căn cứ để ghi vào chỉ tiêu này là tổng số phát sinh bên Có của Tài khoản 811 “Chi phí khác” đối ứng với bên Nợ của Tài khoản 911.

14. Mã số 40 – Lợi nhuận khác

Chỉ tiêu này được tính như sau:

Mã số 40 = Mã số 31 – Mã số 32.

15. Mã số 50 – Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế

Chỉ tiêu này được tính như sau:

Mã số 50 = Mã số 30 + Mã số 40.

16. Mã số 51 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành

Căn cứ để ghi vào chỉ tiêu này như sau:

  • Tổng số phát sinh bên Có Tài khoản 8211 “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành” đối ứng với bên Nợ TK 911 trên sổ kế toán chi tiết TK 8211.
  • Hoặc số phát sinh bên Nợ TK 8211 đối ứng với bên Có TK 911 trong kỳ báo cáo.

17. Mã số 52 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại 

Căn cứ để ghi vào chỉ tiêu này được xác định như sau:

  • Tổng số phát sinh bên Có Tài khoản 8212 “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” đối ứng với bên Nợ TK 911 trên sổ kế toán chi tiết TK 8212.
  • Hoặc số phát sinh bên Nợ TK 8212 đối ứng với bên Có TK 911 trong kỳ báo cáo.

18. Mã số 60 – Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp

Đây là chỉ tiêu phản ánh số lỗ hoặc lãi sau thuế của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này được tính như sau:

Mã số 60 = Mã số 50 – (Mã số 51+ Mã số 52).

19. Mã số 70 – Lãi cơ bản trên cổ phiếu

Đây là chỉ tiêu phản ánh lãi cơ bản trên cổ phiếu, chưa tính đến các công cụ được phát hành trong tương lai có khả năng pha loãng giá trị cổ phiếu. Công ty cổ phần là doanh nghiệp độc lập trình bày chỉ tiêu này trên Báo cáo tài chính của mình.

Khi Quỹ khen thưởng, phúc lợi được trích từ lợi nhuận sau thuế, lãi cơ bản trên cổ phiếu được xác định như sau:

Lãi cơ bản trên cổ phiếu = (Lợi nhuận hoặc lỗ phân bổ cho cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông – Số trích quỹ khen thưởng, phúc lợi) : Số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trong kỳ

20. Mã số 71 – Lãi suy giảm trên cổ phiếu

Đây là chỉ tiêu phản ánh lãi suy giảm trên cổ phiếu, trong đó có tính đến sự tác động của các công cụ trong tương lai có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu và pha loãng giá trị cổ phiếu.

20.1. Công thức xác định lãi suy giảm trên cổ phiếu

Lãi suy giảm trên cổ phiếu = (Lợi nhuận hoặc lỗ phân bổ cho cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông – Số trích quỹ khen thưởng, phúc lợi) : (Số bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trong kỳ + Số lượng cổ phiếu phổ thông dự kiến được phát hành thêm)

20.2. Xác định lợi nhuận (hoặc lỗ) phân bổ cho cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông để tính lãi suy giảm trên cổ phiếu

Lợi nhuận hoặc lỗ phân bổ cho cổ phiếu phổ thông = Lợi nhuận hoặc lỗ sau thuế TNDN Các khoản điều chỉnh giảm + Các khoản điều chỉnh tăng

20.3. Số lượng cổ phiếu để tính lãi suy giảm trên cổ phiếu

Số lượng cổ phiếu để tính lãi suy giảm trên cổ phiếu được xác định là số bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông lưu hành trong kỳ (+) số bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông sẽ được phát hành thêm trong trường hợp tất cả các cổ phiếu phổ thông tiềm năng có tác động suy giảm đều được chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông.

Xem thêm:

Tải về mẫu Giấy chứng nhận nghỉ việc được hưởng bảo hiểm xã hội

Tải về Nghị định 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất

Bảng cân đối kế toán có ý nghĩa gì với doanh nghiệp?