Việt Nam đã có những nỗ lực nhất định để tạo ra một hệ thống chuẩn mực kế toán tương đối đầy đủ, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, trong thực tế, hệ thống chuẩn mực kế toán của Việt Nam vẫn có những tồn tại tạo nên khoảng cách với các chuẩn mực quốc tế.
1. Chuẩn mực kế toán Việt Nam có sự khác biệt với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế
Trong giai đoạn đầu triển khai chuẩn mực kế toán, Việt Nam đã có những thay đổi nhất định về nguyên tắc, phương pháp và nội dung. Vì vậy, điều này đã tạo sự khác biệt về nội dung giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.
Hơn nữa, có nhiều chuẩn mực quốc tế đã được ban hành và áp dụng nhưng Việt Nam cũng chưa nhanh chóng cập nhật. Từ đó, khoảng cách với chuẩn mực quốc tế càng được tăng lên.
2. Phạm vi chi phối của hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam
Việc ban hành chuẩn mực kế toán cho tất cả các doanh nghiệp dẫn đến sự chung chung, chưa có tính cụ thể cho từng đối tượng, từng loại hình doanh nghiệp. Điều này sẽ dẫn đến những khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng chuẩn mực kế toán. Ví dụ, doanh nghiệp có quy mô lớn có nhiều nghiệp vụ phức tạp như thanh toán trên cơ sở cổ phiếu, tài sản dài hạn…mà hệ thống chuẩn mực hiện tại lại không đáp ứng được. Trong khi có những doanh nghiệp siêu nhỏ thì hệ thống này lại dường như quá phức tạp.
Vì vậy, hiện nay, Nhà nước đang có những nỗ lực để tạo ra những chuẩn mực kế toán mới dành riêng cho từng loại hình doanh nghiệp.
3. Quan hệ giữa chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán doanh nghiệp
Các chuẩn mực chỉ được áp dụng khi có thông tư hướng dẫn. Hơn nữa, thực tế có những vấn đề chưa nhất quán giữa chuẩn mực và chế độ kế toán doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ chọn áp dụng theo chế độ kế toán.
Đó là lí do khiến vai trò của hệ thống chuẩn mực kế toán bị giảm bớt tầm quan trọng.
4. Tính khả thi của chuẩn mực kế toán chưa cao
Khả năng xử lý và mức độ triển khai chuẩn mực kế toán chưa đạt hiệu quả cao, càng cho thấy chuẩn mực kế toán chưa thực hiện hết vai trò trong thực tiễn.
Các doanh nghiệp chưa tự giác tuân thủ các quy định áp dụng chuẩn mực kế toán
Từ việc ghi nhận, đánh giá đến trình bày, công bố thông tin đều chưa được các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước tuân thủ nghiêm ngặt theo chuẩn mực kế toán.
5. Quy trình soạn thảo và ban hành chuẩn mực kế toán chưa hiệu quả
Việt Nam chưa có một hội đồng ban hành chuẩn mực trên cơ chế bỏ phiếu như các nước để đảm bảo tính trung lập của chuẩn mực. Vì vậy, quá trình dự thảo chưa lấy được ý kiến rộng rãi, chưa mang tính khách quan, toàn diện.
Thêm nữa, các hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán có phần chưa phù hợp. Tuy nhiên, thời gian qua, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm nhiều chuẩn mực kế toán để phù hợp với doanh nghiệp và chuẩn mực quốc tế.
Trên đây là một số hạn chế trong hệ thống chuẩn mực kế toán của Việt Nam. Nếu những tồn tại được Nhà nước xử lí sớm thì hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam sẽ gần hơn với chuẩn mực kế toán, từ đó tạo sự tiện ích, hiệu quả cho quá trình áp dụng vào thực tế.