Người lao động được hưởng trợ cấp mất việc làm khi họ mất việc trong một số trường hợp nhất định. Vậy thì, đối tượng được hưởng, mức hưởng và cách tính trợ cấp mất việc như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu tại bài viết dưới đây.
Đối tượng hưởng trợ cấp mất việc làm
Điều kiện hưởng trợ cấp này được quy định tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật lao động. Trích Khoản 2, Điều 4, Nghị định 05/2015/NĐ-CP như sau:
“Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại Khoản 10 Điều 36, Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật Lao động.”
Như vậy, NLĐ được hưởng trợ cấp mất việc khi đã làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên và bị mất việc do 1 trong các trường hợp sau:
– Thay đổi cơ cấu, công nghệ, gồm các trường hợp:
- Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động.
- Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm.
- Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.
– Lý do kinh tế, gồm những trường hợp:
- Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế.
- Thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.
– Do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
Mức hưởng trợ cấp mất việc
Căn cứ Điều 49, Bộ Luật lao động, mức hưởng trợ cấp mất việc là: mỗi năm làm việc được trợ cấp một tháng tiền lương. Tuy nhiên mức này ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có).
Thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động
Thời gian này bao gồm:
- Thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo HĐLĐ.T
- Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học.
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản.
- Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
- Thời gian nghỉ hàng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương.
- Thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn.
- Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân mà được người sử dụng lao động trả lương.
- Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.
- Thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo.
Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Thời gian này bao gồm:
- Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
- Thời gian được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
- Thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp mất việc làm trước đó
Thời gian này được tính theo năm, đủ 12 tháng. Trong trường hợp có tháng lẻ thì xử lý như sau:
- Từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng: thời gian được tính bằng nửa năm.
- Từ đủ 6 tháng trở lên: thời gian được tính bằng 1 năm làm việc.
Trên đây là các thông tin về trợ cấp mất việc làm mà NLĐ cũng như người sử dụng lao động cần nắm rõ. Hy vọng bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn đọc. Chúc các bạn thành công.
Xem thêm:
Tìm hiểu quy trình mở sổ, ghi sổ, khóa sổ kế toán