IAS 23 đề cập đến các quy định về kế toán các khoản chi phí đi vay tại doanh nghiệp. Bạn đọc tìm hiểu chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 23 – Chi phí đi vay tại bài viết sau.
Nguyên tắc cơ bản
Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc mua sắm, xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang sẽ là một bộ phận cấu thành giá gốc của tài sản đó.
Chi phí đi vay trong các trường hợp khác sẽ được ghi nhận là chi phí.
Phạm vi áp dụng
Chuẩn mực IAS 23 áp dụng trong kế toán các khoản chi phí đi vay tại các doanh nghiệp.
IAS 23 không áp dụng đối với những khoản chi phí đi vay liên quan tới việc:
- Mua sắm, xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được đánh giá theo giá trị hợp lý.
- Mua sắm, xây dựng hoặc sản xuất hàng tồn kho được hàng loạt với số lượng lớn.
Các khái niệm cơ bản
Chi phí đi vay
Chi phí đi vay là khoản lãi vay và các chi phí khác liên quan tới việc đi vay vốn của doanh nghiệp. Chi phí đi vay có thể bao gồm:
- Lãi vay (theo IAS 39).
- Lãi vay liên quan đến thuê tài chính được ghi nhận theo IAS 17.
- Chênh lệch tỷ giá phát sinh của những khoản vay bằng ngoại tệ nếu khoản chênh lệch này được coi là khoản điều chỉnh chi phí về lãi vay.
Tài sản dở dang
Tài sản dở dang (TSDD) là tài sản cần một khoảng thời gian khá dài để có thể được đưa vào sử dụng theo mục đích định sẵn hoặc để bán.
Ghi nhận chi phí đi vay
Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc mua sắm xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang phải được vốn hóa như một phần giá trị của tài sản đó.
Chi phí đi vay khác được ghi nhận vào chi phí trong kỳ.
Các chi phí được vốn hóa
Các chi phí đi vay đủ điều kiện được vốn hóa khi:
- Những chi phí này chắc chắn đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp.
- Giá trị của nó được xác định một cách đáng tin cậy.
Chi phí đi vay được vốn hóa là những chi phí đi vay thực tế phát sinh từ các khoản vay liên quan đến việc tài trợ cho việc mua sắm, xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang trừ đi bất kỳ khoản thu nhập nào từ hoạt động đầu tư tạm thời khoản vay này.
Trường hợp tài sản dở dang được tài trợ bằng khoản vay chung cho toàn doanh nghiệp:
- Giá trị chi phí đi vay được vốn hóa được xác định căn cứ vào chi phí tài trợ cho tài sản đó và tỷ lệ vốn hóa.
- Tỷ lệ vốn hóa được xác định bằng chi phí đi vay bình quân của tất cả các khoản vay chung cho toàn doanh nghiệp loại trừ những khoản vay được sử dụng để tài trợ trực tiếp cho tài sản dở dang.
Giá trị chi phí đi vay được vốn hóa trong kỳ không được lớn hơn toàn bộ chi phí đi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp.
Thời điểm bắt đầu vốn hóa
Việc vốn hóa chi phí đi vay được bắt đầu khi doanh nghiệp đáp ứng cả 3 điều kiện sau:
- Các chi phí liên quan đến việc mua sắm, xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang phát sinh.
- Các chi phí đi vay phát sinh,.
- Doanh nghiệp đang tiến hành các hoạt động cần thiết để đưa tài sản vào sử dụng.
Thời gian ngừng vốn hóa
Doanh nghiệp phải ngừng vốn hóa trong các giai đoạn mà doanh nghiệp ngừng hoạt động phát triển TSDD.
Doanh nghiệp không phải ngừng vốn hóa trong khoảng thời gian ngừng hoạt động phát triển tài sản dở dang nếu việc trì hoãn tạm thời là cần thiết của quá trình đưa tài sản vào sử dụng hoặc bán.
Việc vốn hóa các chi phí đi vay sẽ dừng lại khi hầu hết các hoạt động liên quan đến việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng hoàn thành. Trường hợp tài sản được hoàn thành theo từng bộ phận và khi mỗi bộ phận có thể được sử dụng riêng biệt trong khi bộ phận khác tiếp tục được xây dựng thì việc dừng vốn hóa chi phí đi vay sẽ được xem xét trên cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành của từng bộ phận.
Trình bày trên Báo cáo tài chính
Doanh nghiệp phải cung cấp thông tin sau để xác định khoản chi phí đi vay được vốn hóa:
- Khoản chi phí đi vay được vốn hóa trong kỳ.
- Tỷ lệ vốn hóa được sử dụng.
Xem thêm:
Tìm hiểu về Chuẩn mực Kế toán quốc tế IAS 7 – Statement of Cash Flows (Báo cáo lưu chuyển tiền tệ)
Tìm hiểu về Chuẩn mực Kế toán quốc tế IAS 02 – Inventories (Hàng tồn kho)