IAS 16 đề cập đến các quy định về kế toán đối với nhà xưởng, máy móc, thiết bị. Mời bạn đọc tìm hiểu về chuẩn mực này tại bài viết sau.
Mục đích của chuẩn mực IAS 16
Mục đích của chuẩn mực IAS 16 là quy định, hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán đối với máy móc, thiết bị, nhà xưởng. Bao gồm:
– Tiêu chuẩn ghi nhận.
– Thời điểm ghi nhận.
– Xác định giá trị ban đầu.
– Chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu.
– Xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu.
– Khấu hao.
– Thanh lý.
Phạm vi áp dụng IAS 16
IAS 16 áp dụng cho kế toán nhà xưởng, máy móc, thiết bị, trừ khi một chuẩn mực khác cho phép cách hạch toán khác.
Chuẩn mực IAS 16 không áp dụng cho:
– Máy móc thiết bị nắm giữ vì mục đích bán.
– Tài sản có tính chất sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp.
– Tài sản khảo sát và đánh giá khoáng sản.
– Quyền khai thác khoáng sản và các mỏ khoáng sản.
Các khái niệm cơ bản
Nhà xưởng, máy móc, thiết bị
Nhà xưởng, máy móc, thiết bị là:
– Các TSCĐ hữu hình mà doanh nghiệp nắm giữ phục vụ cho sản xuất hay cung cấp hàng hóa, dịch vụ, cho các mục đích hành chính.
– Được ước tính sử dụng trong thời gian nhiều hơn một kỳ.
Nguyên giá
Nguyên giá là toàn bộ số tiền hoặc tương đương tiền đã trả hoặc giá trị hợp lý của các khoản khác phải trả để mua hoặc xây dựng tài sản tại thời điểm tài sản đó được ghi nhận.
Khấu hao
Khấu hao là sự phân bổ một cách có hệ thống giá trị phải khấu hao của tài sản trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản đó.
Giá trị phải khấu hao
Giá trị phải khấu hao là nguyên giá tài sản trừ giá trị thanh lý ước tính của tài sản.
Giá trị thanh lý
Giá trị thanh lý là giá trị ước tính thu được khi hết thời gian sử dụng hữu ích của tài sản. Đây là giá trị sau khi trừ chi phí thanh lý ước tính.
Thời gian sử dụng hữu ích
Thời gian sử dụng hữu ích là thời gian mà doanh nghiệp dự tính sử dụng tài sản. Hoặc có thể là số lượng sản phẩm mà doanh nghiệp dự tính thu được từ việc sử dụng tài sản.
Giá trị ghi sổ
Giá trị ghi sổ (GTGS) là giá trị của tài sản sau khi trừ khấu hao lũy kế và tổn thất lũy kế của tài sản đó.
Tổn thất tài sản
Tổn thất tài sản là khoản chênh lệch âm giữa GTGS và giá trị có thể thu hồi tài sản.
Giá trị có thể thu hồi
Giá trị có thể thu hồi là giá trị cao hơn giữa giá trị hợp lý của tài sản trừ đi chi phí bán và giá trị sử dụng.
Giá trị sử dụng
Giá trị sử dụng là giá trị hiện tại của dòng tiền ước tính thu được trong tương lai từ việc sử dụng tài sản bao gồm cả giá trị thanh lý của chúng.
Giá trị hợp lý
Giá trị hợp lý là giá trị tài sản có thể được trao đổi giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong sự trao đổi ngang giá.
Tiêu chuẩn ghi nhận nhà xưởng, máy móc, thiết bị
Nhà xưởng máy móc thiết bị được ghi nhận khi thỏa mãn đồng thời:
– Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó.
– Giá trị tài sản phải được xác định một cách đáng tin cậy.
Đánh giá tại thời điểm ghi nhận ban đầu
Nhà xưởng, máy móc, thiết bị, thỏa mãn tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định phải được đánh giá tại thời điểm ghi nhận ban đầu theo nguyên giá.
Nguyên giá của nhà xưởng, máy móc, thiết bị, mua bao gồm:
– Giá mua tài sản. Giá này bao gồm thuế nhập khẩu và các khoản thuế không được hoàn lại. Giá này không gồm các khoản chiết khấu thương mại và giảm giá được hưởng.
– Các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đem tài sản vào vị trí và địa điểm sẵn sàng sử dụng.
– Các chi phí ước tính về di dời và tháo dỡ tài sản, khôi phục mặt bằng đặt tài sản mà doanh nghiệp phải thực hiện khi mua tài sản hoặc sau thời gian sử dụng tài sản cho mục đích ngoài sản xuất.
Các chi phí không tính vào nguyên giá gồm:
– Chi phí đào tạo nhân viên.
– Chi phí hành chính và các chi phí sản xuất chung khác.
– Các khoản lỗ ban đầu do máy móc không hoạt động đúng như dự tính.
Đánh giá sau thời điểm ghi nhận ban đầu
Doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng mô hình giá gốc hoặc mô hình đánh giá lại làm chính sách kế toán và phải áp dụng chính sách này thống nhất cho cả nhóm tài sản.
Mô hình giá gốc
Giá trị tài sản sau khi nhận sau ghi nhận ban đầu được ghi nhận bằng nguyên giá trừ giá trị khấu hao lũy kế và giá trị tổn thất lũy kế.
Mô hình đánh giá lại
Giá trị tài sản sau khi nhận ban đầu được ghi nhận theo giá trị đã đánh giá lại. Giá trị này được xác định là giá trị hợp lý tại thời điểm đánh giá lại trừ số khấu hao lũy kế và các khoản lỗ tổn thất tài sản sau thời điểm đánh giá lại.
Xử lý kết quả đánh giá lại:
– Phần chênh lệch tăng do đánh giá lại được ghi vào phần báo cáo thu nhập khác dưới tên gọi thặng dư đánh giá lại. Hoặc có thể hạch toán là một khoản thu nhập trong báo cáo kết quả kinh doanh (BCKQKD) nếu nó bù trừ vào phần giảm do đánh giá lại chính tài sản đó mà trước đây đã hạch toán vào chi phí trong BCKQKD.
– Phần chênh lệch giảm do việc đánh giá lại được hạch toán vào báo cáo kết quả kinh doanh hoặc bù trừ vào các khoản chênh lệch tăng khi phần chênh lệch giảm không vượt quá chênh lệch tăng của chính tài sản đó.
Khấu hao
Số khấu hao của từng kỳ được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ. Giá trị phải khấu hao của TSCĐ được phân bổ một cách có hệ thống trong thời gian sử dụng hữu ích của chúng.
Các phương pháp khấu hao được sử dụng:
– Phương pháp khấu hao đường thẳng. Theo phương pháp này, số khấu hao hàng năm không thay đổi trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản.
– Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần. Theo phương pháp này, số khấu hao giảm dần trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản.
– Phương pháp khấu hao theo số lượng sản phẩm. Phương pháp này dựa trên tổng số đơn vị sản phẩm ước tính tài sản có thể tạo ra.
Phương pháp khấu hao do doanh nghiệp xác định phải được thực hiện nhất quán trừ khi có sự thay đổi trong cách thức sử dụng tài sản đó.
Dùng ghi nhận nhà xưởng, máy móc, thiết bị
TSCĐ được ghi giảm khi thanh lý hoặc khi không thu được lợi ích kinh tế từ việc sử dụng và thanh lý tài sản.
Lãi, lỗ phát sinh do thanh lý xác định bằng số chênh lệch giữa thu nhập với chi phí thanh lý cộng với giá trị còn lại của tài sản. Số lãi, lỗ này được ghi nhận là một khoản thu nhập hay chi phí khác trên BCKQHĐ trong kỳ.
Trình bày Báo cáo tài chính
Trong BCTC doanh nghiệp phải trình bày theo từng loại nhà xưởng máy móc thiết bị về những thông tin sau:
– Phương pháp xác định nguyên giá.
– Phương pháp khấu hao; thời gian sử dụng hữu ích hoặc tỷ lệ khấu hao; số khấu hao lũy kế và giá trị còn lại vào đầu năm và cuối kỳ.
– Tài sản tăng.
– Tài sản nắm giữ vì mục đích bán.
– Chênh lệch tăng, giảm do đánh giá lại.
– Trị giá tài sản tổn thất.
Trong báo cáo tài chính còn trình bày những nội dung sau:
– Số khấu hao trong kỳ, tăng, giảm và lũy kế đến cuối kỳ.
– Giá trị còn lại của tài sản đã dùng để thế chấp, cầm cố cho các tài khoản vay.
– Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang.
– Các cam kết về việc mua bán tài sản có giá trị lớn trong tương lai.
– Giá trị còn lại của tài sản tạm thời không được sử dụng.
– Nguyên giá của tài sản đã khấu hao hết nhưng vẫn còn sử dụng.
– Giá trị còn lại của tài sản đang chờ thanh lý.
– Các thay đổi khác về tài sản.
Xem thêm:
Tìm hiểu về Chuẩn mực Kế toán quốc tế IAS 7 – Statement of Cash Flows (Báo cáo lưu chuyển tiền tệ)
Tìm hiểu về Chuẩn mực Kế toán quốc tế IAS 02 – Inventories (Hàng tồn kho)