Trong bài viết này, Ketoan.vn sẽ giới thiệu tới bạn đọc chuẩn mực Kế toán quốc tế IAS 01 – Presentation of Financial Statements (Trình bày Báo cáo tài chính).
International Accounting Standard (IAS) là các Chuẩn mực Kế toán Quốc tế được Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASC), có trụ sở tại Luân Đôn, vương quốc Anh ban hành từ năm 1973 đến năm 2001. Sau thời điểm này, IASC tái cấu trúc thành Hội đồng Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB). IASB kế thừa các IAS do IASC ban hành, đồng thời sửa đổi và ban hành các Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế mới là International Financial Reporting Standard (IFRS).
Mục đích
Chuẩn mực này quy định cơ sở cho việc trình bày các báo cáo tài chính. Cho mục đích chung nhằm đảm bảo tính so sánh giữa các báo cáo tài chính của đơn vị ở các kỳ khác nhau, và với báo cáo tài chính của các đơn vị khác. Chuẩn mực đặt ra các yêu cầu tổng thể đối với việc trình bày báo cáo tài chính, hướng dẫn về cấu trúc của các báo cáo và các yêu cầu tối thiểu về nội dung của các báo cáo.
Phạm vi
Đơn vị phải áp dụng chuẩn mực này trong quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính phục vụ mục đích chung phù hợp với Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc Tế (IFRSs).
Chuẩn mực này không áp dụng cho cấu trúc và nội dung của các báo cáo tài chính giữa niên độ dạng tóm lược.
Chuẩn mực này được áp dụng bình đẳng đối với tất cả các đơn vị. Bao gồm cả những đơn vị trình bày báo cáo tài chính hợp nhất và những đơn vị trình bày báo cáo tài chính riêng.
Chuẩn mực này dùng các thuật ngữ phù hợp cho các đơn vị hoạt động vì mục đích lợi nhuận. Bao gồm cả các đơn vị kinh doanh thuộc khu vực công. Nếu các đơn vị với những hoạt động phi lợi nhuận thuộc khu vực tư nhân hay thuộc khu vực công áp dụng chuẩn mực này. Họ có thể phải điều chỉnh những diễn giải cho các khoản mục cụ thể trong báo cáo tài chính và cho cả báo cáo tài chính.
Mục đích của báo cáo tài chính
Các báo cáo tài chính phản ánh theo một cấu trúc chặt chẽ tình hình tài chính và kết quả tài chính của một đơn vị. Mục đích của các BCTC là cung cấp các thông tin về tình hình tài chính, kết quả tài chính và các dòng tiền của một đơn vị. Hữu ích đối với đại đa số những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. BCTC cũng cho thấy kết quả quản lý của ban giám đốc đối với các nguồn lực được giao phó cho họ. Để đáp ứng mục tiêu này, báo cáo tài chính cung cấp thông tin sau về đơn vị:
(a) Tài sản;
(b) Nợ phải trả;
(c) Nguồn vốn;
(d) Thu nhập và chi phí, bao gồm cả lãi và lỗ
(e) Vốn góp của chủ sở hữu và phân phối lợi nhuận tới chủ sở hữu với tư cách là chủ sở hữu;
(f) Các dòng tiền.
Các thông tin này, cùng với các thông tin trên các thuyết minh. Hỗ trợ người sử dụng báo cáo tài chính dự đoán các dòng tiền trong tương lai của đơn vị. Cụ thể hơn, là thời gian và mức độ chắc chắn của các dòng tiền.
Một bộ báo cáo tài chính đầy đủ
Một bộ báo cáo tài chính đầy đủ bao gồm:
(a) Báo cáo tình hình tài chính tại thời điểm cuối kỳ;
(b) Báo cáo lãi hoặc lỗ và thu nhập toàn diện khác trong kỳ;
(c) Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu trong kỳ;
(d) Báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong kỳ;
(e) Các thuyết minh, bao gồm các chính sách kế toán chủ yếu và các thông tin diễn giải khác;
(ea) Thông tin so sánh của kỳ trước
(f) Báo cáo tình hình tài chính tại thời điểm bắt đầu của kỳ trước khi đơn vị áp dụng hồi tố một chính sách kế toán. Hoặc điều chỉnh hồi tố các khoản mục trên báo cáo tài chính hoặc khi phân loại lại các khoản mục trên BCTC.
Các đặc điểm chung
Trình bày hợp lý và tuân thủ theo IFRSs
Các báo cáo tài chính phải trình bày hợp lý tình hình tài chính, kết quả tài chính và lưu chuyển tiền tệ của một đơn vị. Việc trình bày hợp lý đòi hỏi phải trình bày trung thực ảnh hưởng của các giao dịch, các sự kiện khác và các điều kiện phù hợp với các định nghĩa và các tiêu chí ghi nhận tài sản, nợ phải trả, thu nhập và chi phí như quy định tại Khuôn khổ cơ bản về Lập và trình bày báo cáo tài chính (Khuôn khổ cơ bản). Việc áp dụng IFRSs, với các thuyết minh bổ sung nếu cần, được hiểu là sẽ giúp các báo cáo tài chính được trình bày hợp lý.
Hoạt động liên tục
Khi lập các báo cáo tài chính, ban Giám đốc phải đánh giá khả năng hoạt động liên tục của đơn vị. Đơn vị phải lập các báo tài chính trên cơ sở hoạt động liên tục. Trừ khi ban Giám đốc có ý định giải thể doanh nghiệp hoặc ngừng kinh doanh. Hoặc không có phương án khả thi nào khác ngoài việc giải thể doanh nghiệp hoặc ngừng kinh doanh. Trong quá trình đánh giá khả năng hoạt động liên tục.
Nếu ban Giám đốc nhận thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu liên quan đến các sự kiện. Hoặc điều kiện có thể gây nghi ngờ đáng kể về khả năng tiếp tục hoạt động của đơn vị. Đơn vị phải thuyết minh những yếu tố không chắc chắn này. Trong trường hợp không lập các báo cáo tài chính trên cơ sở hoạt động liên tục. Đơn vị phải thuyết minh điều này cùng với cơ sở lập báo cáo tài chính và lý do tại sao đơn vị không thể hoạt động liên tục.
Cơ sở kế toán dồn tích
Đơn vị phải lập các báo cáo tài chính theo cơ sở dồn tích ngoại trừ thông tin lưu chuyển tiền tệ.
Trọng yếu và tổng hợp
Đơn vị phải trình bày riêng biệt từng nhóm các khoản mục trọng yếu có tính chất tương đồng. Đơn vị phải trình bày riêng biệt các khoản mục có bản chất hay chức năng không tương đồng trừ khi các khoản mục này là không trọng yếu.
Bù trừ
Đơn vị không được phép bù trừ tài sản với nợ phải trả hoặc thu nhập với chi phí trừ khi IFRS quy định hoặc cho phép việc bù trừ.
Tần suất báo cáo
Đơn vị phải trình bày một bộ hoàn chỉnh các báo cáo tài chính (bao gồm cả thông tin so sánh) tối thiểu là hàng năm. Khi một đơn vị thay đổi ngày kết thúc kỳ kế toán và trình bày các báo cáo tài chính cho một giai đoạn dài hơn hoặc ngắn hơn một năm
Thông tin so sánh
Đơn vị phải trình bày thông tin so sánh của giai đoạn liền trước cho tất cả các khoản mục. Trình bày trên các báo cáo tài chính cho kỳ kế toán hiện tại. Ngoại trừ trường hợp các IFRSs cho phép hoặc có yêu cầu khác. Đơn vị phải trình bày thông tin so sánh cho các diễn giải và mô tả nếu các thông tin này là cần thiết để hiểu các báo cáo tài chính kỳ này.
Trình bày nhất quán
Đơn vị phải phân loại và trình bày các khoản mục trên báo cáo tài chính một cách nhất quán giữa các kỳ.
Cấu trúc và nội dung
Xác định các báo cáo tài chính
Một đơn vị cần phải xác định rõ ràng các báo cáo tài chính và phân biệt chúng với các thông tin khác được công bố trong cùng một tài liệu với các báo cáo tài chính.
Các thông tin được trình bày trong báo cáo tình hình tài chính
Báo cáo tình hình tài chính tối thiểu phải có các dòng chỉ tiêu trình bày các khoản mục sau đây:
(a) Bất động sản, nhà xưởng và thiết bị;
(b) Bất động sản đầu tư;
(c) Tài sản cố định vô hình;
(d) Tài sản tài chính
(e) Các khoản đầu tư được hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu;
(f) Tài sản sinh học
(g) Hàng tồn kho;
(h) Các khoản phải thu khách hàng và phải thu khác;
(i)Tiền và tương đương tiền;
(j) Tổng tài sản được phân loại là nắm giữ để bán và các tài sản nằm trong nhóm tài sản chờ thanh lý được phân loại là giữ để bán
(k) Các khoản phải trả người bán và phải trả khác;
(l) Các khoản dự phòng;
(m) Các khoản nợ phải trả tài chính
(n) Các khoản phải trả thuế thu nhập hiện hành và tài sản thuế thu nhập hiện hành.
(o) Thuế thu nhập hoãn lại phải trả và tài sản thuế thu nhập hoãn lại.
(p) Các khoản nợ phải trả nằm trong nhóm tài sản chờ thanh lý được phân loại là giữ để bán.
(q) Các lợi ích của cổ đông không kiểm soát, được trình bày trong mục vốn chủ sở hữu;
(r) Vốn được phát hành và các quỹ dự trữ thuộc về các chủ sở hữu của công ty mẹ.
Phân biệt ngắn hạn/ dài hạn
Đơn vị phải trình bày riêng biệt tài sản ngắn hạn và dài hạn. Nợ phải trả ngắn hạn và dài hạn trong báo cáo tình hình tài chính. Trừ khi việc trình bày dựa trên khả năng thanh khoản cung cấp thông tin đáng tin cậy và phù hợp hơn. Trong trường hợp ngoại lệ, đơn vị cần phải trình bày tất cả các tài sản và nợ phải trả theo thứ tự mức độ thanh khoản.
Các tài sản ngắn hạn
Đơn vị sẽ phân loại tài sản là ngắn hạn khi:
(a) Đơn vị dự kiến thu hồi tài sản, hoặc dự tính bán hay sử dụng tài sản đó trong một chu kỳ kinh doanh bình thường;
(b) Đơn vị nắm giữ tài sản chủ yếu cho mục đích thương mại;
(c) Đơn vị dự kiến thu hồi tài sản trong vòng 12 tháng sau ngày kết thúc kỳ báo cáo.
Nợ ngắn hạn
Đơn vị sẽ phân loại một khoản nợ phải trả là ngắn hạn, khi:
(a) Đơn vị dự kiến thanh toán khoản nợ phải trả này trong một chu kỳ kinh doanh bình thường;
(b) Đơn vị nắm giữ khoản nợ chủ yếu vì mục đích kinh doanh;
(c) Khoản nợ phải trả đến hạn thanh toán trong vòng 12 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo;
Thông tin được trình bày trong báo cáo tình hình tài chính hoặc trong các thuyết minh
Đơn vị phải cung cấp các số liệu được phân loại nhỏ hơn cho các dòng chỉ tiêu được trình bày. Theo hình thức phù hợp với các hoạt động của đơn vị trong báo cáo tình hình tài chính hoặc trong các thuyết minh.
Lãi hoặc lỗ trong kỳ
Đơn vị cần ghi nhận tất cả các khoản thu nhập và chi phí trong kỳ vào lãi hoặc lỗ trừ khi IFRS có quy định khác.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cung cấp cơ sở để người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá khả năng tạo ra tiền và các khoản tương đương tiền của đơn vị và nhu cầu sử dụng các dòng tiền này của đơn vị. IAS 7 đưa ra quy định về trình bày và thuyết minh cho báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Các thuyết minh
Các thuyết minh phải:
(a) trình bàythông tin về cơ sở của việc lập báo cáo tài chính và các chính sách kế toán cụ thể được áp dụng theo quy định;
(b) thuyết minh các thông tin được yêu cầu bởi IFRSs mà chưa được trình bày ở các phần khác trong báo cáo tài chính;
(c) cung cấp các thông tin chưa được trình bày ở các phần khác trong báo cáo tài chính, nhưng có liên quan giúp cho việc hiểu rõ hơn về thông tin trong báo cáo tài chính.
Thuyết minh về các chính sách kế toán
Doanh nghiệp phải thuyết minh các chính sách kế toán chủ yếu bao gồm:
(a) các cơ sở xác định giá trị (hoặc các căn cứ) được sử dụng trong việc lập các báo cáo tài chính;
(b) các chính sách kế toán khác đã được áp dụng để người sử dụng có thể hiểu các thông tin trong báo cáo tài chính.
Cơ sở của sự không chắc chắn của các ước tính
Đơn vị phải trình bày thông tin về các giả định mà đơn vị đưa ra về tương lai và các nguồn cơ sở chính. Cho sự không chắc chắn của các ước tínhđược thực hiện vào cuối kỳ báo cáo. Khi các giả định hoặc ước tính này có rủi ro đáng kể sẽ gây ra các điều chỉnh trọng yếu. Tới giá trị ghi sổ của các tài sản và nợ phải trả trong năm tài chính tiếp theo.
Nguồn vốn
Một đơn vị phải trình bày các thông tin cho phép người sử dụng báo cáo tài chính có thể đánh giá các mục tiêu, các chính sách và các quy trình quản lý nguồn vốn của đơn vị.
Các thuyết minh khác
Một đơn vị phải trình bày trong phần thuyết minh:
(a) giá trị khoản cổ tức được đề xuất hay công bố trước khi báo cáo tài chính được phê duyệt để phát hành nhưng chưa được ghi nhận như một khoản phân phối cho chủ sở hữu trong kỳ, và cổ tức trên mỗi cổ phiếu;
(b) giá trị lũy kế của bất kỳ cổ tức ưu đãi nào không được ghi nhận.
Xem thêm
Tải về Chuẩn mực kế toán Việt Nam mới nhất
41 chuẩn mực kế toán quốc tế doanh nghiệp cần tuân thủ
Nguyên tắc chuẩn mực kế toán cơ bản cho doanh nghiệp