Một trong những công việc của kế toán trong doanh nghiệp đó chính là phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Chính vì thế, bạn cần nắm rõ những quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp về đối tượng tham gia, mức hưởng, điều kiện hưởng… Bài viết dưới đây, Ketoan.vn sẽ tổng hợp những quy định về bảo hiểm thất nghiệp mới nhất.
1. Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Bảo hiểm thất nghiệp được xem như phao cứu sinh, giải quyết nhiều khó khăn cho người lao động, đặc biệt trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, nhằm hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm công việc mới trên cơ sở đóng góp vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (Khoản 4, điều 3 Luật việc làm 2013)
2. Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại điều 43, Luật việc làm 2013, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Các đối tượng không phải tham gia đó là người lao động đang hưởng lương hưu, người lao động giúp việc gia đình.
3. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại điều 57, Luật việc làm 2013, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
- Đối với người lao động: 1% tiền lương tháng
- Đối với người sử dụng lao động: 1% quỹ lương tháng của người lao động
4. Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Tại điều 42, Luật việc làm 2013, những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ hưởng 4 chế độ quyền lợi sau:
- Trợ cấp thất nghiệp
- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm
- Hỗ trợ học nghề
- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng để duy trì việc làm
5. Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
5.1. Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm
- Chưa tìm được việc sau 15 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ
5.2. Điều kiện hỗ trợ học nghề
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng
- Đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian không quá 06 tháng
5.3. Điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm (áp dụng cho người sử dụng lao động)
Theo khoản 1, điều 47, Luật việc làm 2013:
- Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động liên tục từ đủ 12 tháng trở lên
- Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng phải thay đổi cơ cấu công nghệ
- Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động
- Có phương án, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
6. Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp
6.1. Trợ cấp thất nghiệp
Cách tính trợ cấp thất nghiệp như sau:
Mức hưởng hàng tháng = 60% x Bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng trước khi thất nghiệp
Mức hưởng này tối đa không được vượt qua 5 lần mức lương cơ sở hoặc mức lương tối thiểu vùng, tùy theo từng đối tượng.
6.2. Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm
Miễn phí
6.3. Hỗ trợ học nghề
Tối đa 1 triệu đồng/ người/ tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Để được hưởng mức bảo hiểm trên, phải hoàn thiện 1 bộ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp đến trung tâm dịch vụ việc làm.
7. Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP bao gồm các giấy tờ sau:
- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu)
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ:
– Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc
– Giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động (đối với công việc theo mùa vụ hoặc có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng)
– Quyết định thôi việc
– Quyết định sa thải
– Quyết định kỷ luật buộc thôi việc
– Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động
- Sổ bảo hiểm xã hội
Hi vọng bạn đã nắm được những quy định về bảo hiểm thất nghiệp năm 2019.
Xem thêm bài viết tại
>>Hợp đồng thử việc có cần phải đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc không?
>>9 trường hợp người lao động không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp