Hóa đơn trên 20 triệu thanh toán bằng tiền mặt thì cần xử lý như thế nào cho hợp lệ? Đây là câu hỏi của rất nhiều kế toán viên và doanh nghiệp khi lỡ thực hiện thanh toán này. Hãy cùng Ketoan.vn tìm hiểu nhé.
Quy định về thanh toán hóa đơn
Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán và chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối vói phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính có phát sinh khoản chi phí này).”
Cách xử lý hóa đơn trên 20 triệu thanh toán bằng tiền mặt
Trường hợp 1: Bên bán đồng ý trả lại tiền mặt
- Nếu bên bán đồng ý, bạn sửa lại bút toán: “Thanh toán cho nhà cung cấp” thành “Tạm ứng tiền cho nhà cung cấp”.
- Khi bên bán trả lại tiền mặt cho doanh nghiệp, bạn sẽ viết bút toán “Thu tiền tạm ứng từ nhà cung cấp” và hạch toán N111/C331. Chứng từ lúc này sẽ có phiếu thu.
- Khi đã thu được tiền mặt từ nhà cung cấp rồi, bạn thực hiện chuyển khoản cho nhà cung cấp, bút toán là “Thanh toán tiền cho nhà cung cấp qua chuyển khoản”, hạch toán N331/C112. Chứng từ lúc này bao gồm ủy nhiệm chi, giấy báo nợ, sổ phụ thu ngân hàng (lấy vào cuối tháng).
Trường 2: Bên bán không đồng ý trả lại tiền mặt
Với trường hợp này, doanh nghiệp của bạn (bên mua) phải chấp nhận khoản chi phí này sẽ không được tính là chi phí hợp lệ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), cũng như không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT). Lúc này, doanh nghiệp có thể xử lý như sau.
Bước 1:
Doanh nghiệp bạn kê khai, điều chỉnh giảm số thuế giá trị gia tăng đã được khấu trừ với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ thanh toán bằng tiền mặt này. Kì kê khai điều chỉnh giảm số thuế đã kê khai khấu trừ là kỳ phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt.
Ví dụ:
Tháng 10 năm 2017, doanh nghiệp của bạn có một hóa đơn mua hàng trị giá 55 triệu đồng, số thuế GTGT là 5.5 triệu đồng. Tại kì tính thuế tháng 10 năm 2017, doanh nghiệp của bạn đã kê khai khấu trừ thuế của hóa đơn này.
Đến tháng 3 năm 2018, doanh nghiệp của bạn thanh toán hóa đơn này bằng tiền mặt. Lúc này, doanh nghiệp bạn phải khai điều chỉnh giảm số thuế đã kê khai khấu trừ là 5.5 triệu đồng vào tháng 3 năm 2018. Tức là ghi 5.5 triệu giảm trừ này vào chỉ tiêu 37 trên tờ kê khai 01/GTGT.
Bước 2:
Loại toàn bộ giá trị hóa đơn này ra khỏi chi phí được trừ trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (ghi giá trị của hóa đơn này vào chỉ tiêu B4 tại tờ khai Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp mẫu 3/TNDN)
Tiếp ví dụ trên:
Tháng 10 năm 2017, doanh nghiệp mua hàng về để bán. Khi đó, kế toán đã hạch toán:
- Nợ TK 156: 55 triệu
- Nợ TK 133: 5.5 triệu
- Có TK 331: 60.5 triệu
Tháng 3 năm 2018, kế toán thanh toán toàn bộ hóa đơn này bằng tiền mặt, hạch toán như sau:
- Nợ TK 331/ Có TK 111: 60.5 triệu
- Nợ TK 156/ Có TK 133: 5.5 triệu
Giả sử số hàng này bán hết trong năm, cuối kì khi quyết toán thuế TNDN để loại trừ hóa đơn này khỏi chi phí được trừ, bạn ghi vào chỉ tiêu B4 là: 60.5 triệu. Với trường hợp trong kì, hàng chưa bán thì kế toán không cần loại trừ chi phí này.
Sau khi kê khai giảm số thuế GTGT đã được khấu trừ và loại chi phí hợp lý vào tờ khai B4, kế toán cần tiến hành
- Sửa lại sổ sách và nộp lại kê khai bổ sung, điều chỉnh tờ khai quyết toán thuế TNDN
- Nộp lại báo cáo tài chính nếu phát sinh tăng thuế TNDN
Trên đây là cách xử lý hóa đơn thanh toán 20 triệu đồng bằng tiền mặt. Ketoan.vn hi vọng rằng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để gỡ rối trong trường hợp này.
Phần mềm kế toán MISA SME.NET đáp ứng đầy đủ yêu cầu của kế toán vốn bằng tiền, kế toán các khoản đầu tư, các khoản phải thu như: Tự động hạch toán các chứng từ thu, chi tiền theo từng loại tiền (nội tệ, ngoại tệ) giúp tiết kiệm thời gian nhập liệu; Dự báo dòng tiền thu, chi trong tương lai giúp doanh nghiệp tối ưu vòng quay vốn. Anh chị tìm hiểu thêm về phần mềm kế toán MISA SMET.NET tại đây
>> Hóa đơn Giá Trị Gia Tăng – Cách viết mới nhất năm 2019
>> Có được chuyển đổi hóa đơn điện tử sang chứng từ giấy không?